Ngành kiểm sát tăng cường thanh tra đột xuất vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

(PLO)- Định hướng chương trình công tác thanh tra năm 2023 mà VKSND Tối cao vừa ban hành nhấn mạnh sẽ thanh tra đột xuất các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Định hướng chương trình công tác thanh tra năm 2023 mà Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Trâm ký ban hành hôm qua, 13-1, xác định công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những biện pháp quan trọng của công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của VKSND các cấp.

Theo đó, thông qua kết quả thanh tra các đơn vị trong ngành kiểm sát có thể chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, biểu hiện tiêu cực. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng làm trọng, không xem số lượng làm thành tích.

Trụ sở VKSND Tối cao, Hà Nội. Ảnh: tckt.vn

Trụ sở VKSND Tối cao, Hà Nội. Ảnh: tckt.vn

Để kết quả thanh tra năm 2023 đạt kết quả cao, VKSND Tối cao định hướng 6 nhóm nội dung chính, trên cơ sở đó VKSND các cấp thực hiện.

Cụ thể, với thanh tra theo kế hoạch, các đơn vị cần tập trung vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cấp kiểm sát; công tác quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng cơ bản, hoặc đơn vị nội bộ có dấu hiệu mất đoàn kết, có nhiều vi phạm xảy ra.

Với thanh tra đột xuất, VKSND Tối cao nhấn mạnh cần tăng cường thanh tra đột xuất trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, cũng như tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống.

Thanh tra đột xuất cần được triển khai với các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, có dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài; có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Về công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ, VKSND các cấp cần tiến hành kiểm tra thường xuyên đối với việc chấp hành kỷ luật nội vụ nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong ngành; tổng hợp kết quả theo từng quý để rút kinh nghiệm.

Với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đơn vị kịp thời giải quyết, nhất là các khiếu nại, tố cáo do cơ quan Đảng, Nhà nước, ĐBQH và HĐND chuyển đến, hoặc vụ việc dư luận, báo chí phản ánh về đạo đức, lối sống của công chức, viên chức, người lao động trong ngành.

Phòng, chống tham nhũng là một mảng nhiệm vụ của công tác thanh tra, vậy nên trong công tác này, VKSND Tối cao đề nghị các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giám sát nội bộ nhằm phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Cuối cùng, với công tác theo dõi, kiểm tra sau thanh tra, bộ phận thanh tra thuộc VKSND các cấp phải tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại do đơn vị ban hành hoặc do cấp trên chuyển đến; đảm bảo các kết luận, quyết định được thực hiện nghiêm, đúng quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm