Ngày 24-12, tại Đà Nẵng, TAND Tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành Toà án năm 2024 với sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cùng nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương.
Năm 2023, số lượng các vụ việc mà ngành Toà án phải giải quyết tiếp tục gia tăng nhanh chóng, với tính chất ngày càng đa dạng phức tạp. Bên cạnh làm tốt công tác giải quyết án, các Toà án còn tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra; tiếp tục triển khai các đạo luật mới về tư pháp như Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; tổ chức thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên toà trực tuyến….đạt nhiều kết quả tốt.
Nhiều kết quả đạt được
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá những kết quả đạt được của ngành Toà án; cụ thể như công tác xét xử có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết các vụ án đạt cao, chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao.
Pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất; tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng, thực chất, hiệu quả hơn...; góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thấp hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao.
Tòa án các cấp đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án tham nhũng lớn. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh theo pháp luật.
Ngành Toà án đã chủ động phối hợp với liên ngành tố tụng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án lớn. Các vụ án đã xét xử được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao; thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh; công khai các bản án, quyết định của ngành Toà án được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo điều kiện để nhân dân và cơ quan dân cử giám sát hoạt động của tòa án, đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, thẩm phán trong thực thi công vụ.
Còn một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng cho biết ngành Toà án còn một số hạn chế như tỉ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật; việc tổ chức thi hành án tử hình chậm, số bị án tử hình cần phải thi hành còn thấp…
Chủ tịch nước đề nghị cấp uỷ và lãnh đạo Tòa án các cấp chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm thực chất tính độc lập của hai cấp xét xử.
“Cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục. Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối với công lý, công bằng xã hội…”, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Đồng thời, Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành Toà án cần chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Phải nâng cao chất lượng, tính chính xác, tính khả thi, các phán quyết của tòa án, nhất là việc áp dụng các hình phạt.
Khi phát hiện sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân; đó là cách để nâng cao uy tín của tòa án.
Chú trọng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đẩy mạnh việc công khai bản án, quyết định của tòa án làm cơ sở để nhân dân và các cơ quan liên quan giám sát hoạt động của tòa án, tăng cường niềm tin của nhân dân vào công lý và công bằng xã hội.
Chủ tịch nước yêu cầu, đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, quá trình xét xử phải nghiên cứu, đánh giá, quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo; có hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn; khoan hồng với người làm công ăn lương, phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn.
Chú trọng và thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản của tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự, hành chính, có giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; làm tốt công tác nghiên cứu, lựa chọn, phát triển án lệ trong giải quyết án hành chính.
Tập trung hoàn thành xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025, nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số và cung cấp cho người dân dịch vụ tư pháp tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án, xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, thực sự là chỗ dựa của Nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
Song song đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của ngành Toà án, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan tòa án.
Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ngành Tòa án trong xã hội, nhất là người đứng đầu tòa án các cấp; xây dựng ngành Tòa án trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Năm 2023, các Tòa án đã giải quyết 540.490 vụ việc các loại trên tổng số 606.209 vụ việc thụ lý, đạt tỉ lệ 89,16%; so với năm 2022, số giải quyết tăng 35.809 vụ việc. Chất lượng xét xử được bảo đảm, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt 0,89%, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Đã xét xử 94.161 vụ án hình sự với tổng số 176.040 bị cáo, đạt 98% về số vụ và 96,35% về số bị cáo, vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao.
Giải quyết 408.070 vụ việc Dân sự trong tổng số 468.828 vụ việc thụ lý, đạt tỉ lệ 87,04%, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đã hòa giải thành 80.490 vụ việc, đạt tỉ lệ 20,7%, góp phần giải quyết nhanh các tranh chấp, củng cố khối đoàn kết trong Nhân dân.
Công tác giải quyết án Hành chính được tăng cường, mặc dù số lượng các vụ án Hành chính thụ lý tăng 416 vụ so với năm 2022 nhưng các Tòa án đã giải quyết được 9.130/12.162 vụ thụ lý; đạt tỷ lệ 75,07%, vượt 15 ,07% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra và tăng 2,47% so với năm trước. Tính đến ngày 30-9-2023, không có vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định…