Ngày 6-8, đại diện VKS luận tội đối với 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm

(PLO)- Sau khi thẩm vấn xong các bị cáo trong đại án đăng kiểm, HĐXX tạm nghỉ, đến ngày 6-8, đại diện VKS sẽ nêu quan điểm luận tội đối với 254 bị cáo. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-8, phiên tòa xét xử 254 bị trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, đã xong phần xét hỏi.

Như vậy, sau 9 ngày xét xử, HĐXX, đại diện VKS và luật sư đã xét hỏi đối với 247/254 bị cáo. Có 6 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt vì lí do sức khoẻ đã được HĐXX chấp nhận và bị cáo Đỗ Trung Học đang trốn truy nã, bị đưa ra xét xử vắng mặt.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX tạm nghỉ. Đến sáng 6-8, đại diện VKS sẽ nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo.

HĐXX đại án đăng kiểm.jpg
HĐXX đại án đăng kiểm do thẩm phán Huỳnh Văn Trực - Phó chánh tòa hình sự làm chủ tọa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phiên tòa xét xử đại án đăng kiểm dự kiến kéo dài trong 3 tháng (từ 18-7 đến 18-10), do thẩm phán Huỳnh Văn Trực - Phó chánh tòa hình sự làm chủ tọa. Đây được xem là vụ án có số lượng người tham gia đặc biệt lớn: 254 bị cáo, hơn 200 luật sư và hơn 60 bị hại là cá nhân, tổ chức. Hơn 100 nhà báo, phóng viên tham dự phiên tòa và đưa tin.

Tại phần xét hỏi, các bị cáo tại tòa và có đơn xét xử vắng mặt đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Riêng bị cáo Đỗ Trung Học (cựu trưởng phòng tàu sông) đã bỏ trốn. HĐXX cho biết, căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác, có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo và việc đưa bị cáo Học ra xét xử vắng mặt là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Đại án đăng kiểm là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, mang tính hệ thống và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo là lãnh đạo Cục đăng kiểm; lãnh đạo các Phòng, Trung tâm, Chi cục đăng kiểm đã thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền từ các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi.

Tại phần thẩm vấn, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình thừa nhận cáo trạng truy tố. Bị cáo này cho rằng chỉ nhận 2,85 tỉ đồng, 12.000 USD và gia đình đã nộp lại toàn bộ.

trần kỳ hình.jpg
Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cựu cục trưởng Đặng Việt Hà nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và số tiền hưởng lợi hơn 8,5 tỉ đồng. Không nhận trách nhiệm chung số tiền nhận hối lộ hơn 40 tỉ đồng vì bị cáo này cho rằng mình không chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ.

Về mức nhận hối lộ 400.000 đồng/hồ sơ của Phòng VAR, bị cáo Hà trình bày, tại cuộc họp, bị cáo chỉ nói bản thân cục trưởng và là người đứng đầu nên chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động của Cục (nhất là vấn đề phòng, chống tham nhũng); không đòi hỏi cũng không đưa ra một mức nào về quyền lợi.

Ngược lại, cựu quyền Trưởng phòng VAR Trần Anh Quân khai có họp bàn với bị cáo Hà và đưa ra mức nhận tiền bị cáo Hà 400.000 đồng/hồ sơ, Quân được 300.000 đồng/hồ sơ. Mức tiền 400.000 đồng/hồ sơ được Phòng VAR xác định là mức cao nhất, trên tinh thần cuộc họp mà bị cáo Hà chỉ đạo.

đại án đăng kiểm .jpg
Cựu cục trưởng Đặng Việt Hà (bìa phải) và cựu quyền Trưởng phòng VAR Trần Anh Quân. Ảnh: SONG MAI

Đối với các bị cáo là giám đốc trung tâm và các đăng kiểm viên đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Như tại trung tâm đăng kiểm 50-03V, các bị cáo là đăng kiểm viên là chuyền trưởng khai việc nhận tiền hối lộ là thực hiện theo thông lệ từ trước đến nay. Số tiền nhận được thì chia đều cho mọi người và ban giám đốc.

Tại trung tâm đăng kiểm 50-08D, bị cáo Trần Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm khai nhận do áp lực trong việc duy trì kinh phí hoạt động của trung tâm nên đã đưa ra chủ trương nhận tiền để bỏ qua lỗi phương tiện và truyền đạt xuống cấp dưới. Các đăng kiểm viên của trung tâm này đều thừa nhận hành vi phạm tội và số tiền phải chịu trách nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm