Nghệ An: Nước mắt còn chảy…

Sáng 15-6, em Phạm Thị Giang (14 tuổi, trú xóm 4, xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ra sông Lam mò hến về phụ giúp gia đình. Trong khi mò bắt hến, em Giang bị sụp xuống hố nước sâu, bị đuối nước và mất tích.

Tính từ đầu mùa hè (tháng 5-2015) đến nay, tỉnh Nghệ An đã có tới 28 trẻ em, học sinh chết đuối và một nữ sinh mất tích do đuối nước. Đây là con số kinh hoàng, gây đau xót không chỉ cho gia đình, người thân của các em mà còn gây lo lắng cho xã hội.

Trước tình hình này, mới đây ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã phải yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh phòng, chống đuối nước trẻ em.

Những cái chết đau thương

Trước đó, ngày 16-5 có lẽ là ngày kinh hoàng nhất đối với nhiều phụ huynh ở Nghệ An vì có tới năm đứa trẻ cùng ra đi do đuối nước.

Hôm ấy trời nắng nóng đến 40 độ C, em Bùi Quang Thành cùng hai anh em sinh đôi Vũ Văn Huynh và Vũ Văn Đệ (cùng 11 tuổi, học lớp 5 Trường Tiểu học Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu) ra bãi biển thuộc thôn Cộng Hòa (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) để tắm. Trong khi mải mê nô đùa trên biển, cả ba em bị sóng cuốn ra xa và đuối nước. Trong ngày đưa đám hai con, ông Vũ Văn Đường và bà Phạm Thị Phong (cha mẹ hai em Huynh, Đệ) nước mắt cứ chảy tràn. Trong nỗi đau ấy, chính quyền địa phương và bà con láng giềng đã chung tay quyên góp làm lễ an táng hai em.

Hai anh em Vũ Văn Huynh và Vũ Văn Đệ (cùng 11 tuổi) ra đi cùng một ngày trong nỗi đau buồn của người thân. Ảnh: ĐẮC LAM

Cũng chiều cùng ngày, hai em Phạm Văn Thành (11 tuổi) và Nguyễn Văn Hải Quân (chín tuổi, cùng ở xã Hưng Đông, TP Vinh) đi mò bắt trai và không bao giờ trở về nhà nữa. Gia đình các em tỏa đi tìm, khi đến hồ nước cạnh lò gạch cũ giữa cánh đồng thì phát hiện quần áo và xe đạp của hai em còn để bên bờ. Cho đến 23 giờ thi thể hai em mới được vớt lên trong nỗi đau tê tái của người thân.

Ngày 20-5, tại xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, hai anh em họ Phạm Văn Mạnh (16 tuổi) và Phạm Thị Oanh (13 tuổi) cũng ra đi vì đuối nước. Trước đó, khi cùng chơi đùa tại mép ao của một gia đình trong xóm thì cả hai em rơi xuống ao. Hai ngày sau, lại thêm hai em Lê Viết Kiên (tám tuổi) và Lê Viết Sáng (năm tuổi, cùng trú thôn 3, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn) là hai anh em họ khi tắm trên sông Lam...

Danh sách trẻ em chết vì đuối nước cứ dài ra cùng với nỗi đau và mất mát vô bờ của những người thân ở lại.

Dạy bơi bằng… lý thuyết

Phân tích các trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước thời gian qua, ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, cho biết hầu hết các trường hợp trẻ đuối nước xảy ra ở vùng nông thôn, nơi có nhiều ao hồ, sông nước. Cha mẹ, người lớn vì bận mưu sinh nên không có thời gian để giám sát con cái.

Từ năm 2010, tỉnh Nghệ An đã triển khai chương trình phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Nhiều giáo viên đã được cử tham gia các lớp tập huấn về phổ cập bơi, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ. Đồng thời, tỉnh cũng đã chỉ đạo các trường chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện để đưa môn bơi vào dạy học trong các tiết giáo dục thể chất.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, công tác dạy bơi cho học sinh chưa có hiệu quả cao. Hầu hết các em được tập bơi bằng… lý thuyết vì thiếu bể bơi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có trường học nào có bể bơi để đảm bảo cho việc dạy bơi.

Để việc dạy bơi cho trẻ em có hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành giáo dục cần có sự tham gia của các sở, ban ngành, đoàn thể. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa việc dạy bơi để huy động nguồn lực của xã hội. Thực hiện theo hướng này, ông Dũng cho biết từ năm 2012 đã có tám sở, ngành trong tỉnh ngồi lại với nhau cùng ký chương trình chống đuối nước trẻ em. “Nhưng rồi công tác phối hợp chưa nhịp nhàng” - ông Dũng nhận xét - “Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo hai huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu mở hai lớp tập bơi cho trẻ em trong dịp hè 2015 này”.

50% trường hợp trẻ tử vong không có người lớn đi kèm

Theo ông Đặng Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH, nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em chết đuối là do sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ; nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em chưa cao. Ông Nam cho biết trên 50% các trường hợp chết đuối trẻ em không có người lớn đi kèm. Ngoài ra, trẻ không biết bơi cũng là nguyên nhân dẫn đến đuối nước. “Trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng cứu đuối. Ngay tại vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ có dưới 35% thanh thiếu niên biết bơi. Học sinh tại một số trường THCS ở miền Bắc chỉ có 10% biết bơi” - ông Nam nói.

Ông Nam cho biết để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ, trong thời gian tới Cục tiếp tục xây dựng chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Trong đó chú trọng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là các bậc cha mẹ. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên về sơ cấp cứu các trường hợp bị đuối nước; tổ chức các lớp tập huấn về dạy bơi cho trẻ em... Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định về phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng như làm biển báo nơi nguy hiểm, quy định mặc áo phao khi đi tàu thuyền...

VIẾT LONG ghi

Xử lý nghiêm

Trước tình hình trẻ em tử vong do đuối nước gia tăng trong dịp hè, ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã ký công văn yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Đồng thời yêu cầu xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 trình UBND tỉnh.

______________________________________

Mời xem trên số báo sau: TP.HCM: Trẻ đổ xô đi học bơi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm