Chắc là ngày xưa trong chế độ phong kiến, quan lại đôi khi cũng có những phát ngôn bất nhất, tùy tiện muốn nói gì thì nói khiến dân không hài lòng.
Ngày nay, tuy người dân không còn dùng tục ngữ “miệng quan trôn trẻ” nhiều nhưng những phát ngôn của quan chức vẫn làm cho dân cảm thấy bất nhẫn. Từ khi báo chí, mạng xã hội trở nên phổ biến thì những phát ngôn của quan chức được lan truyền rộng hơn, làm cho dân “cười ra nước mắt” nhiều hơn.
Vừa rồi, không phải một mà tới hai vị quan chức Bộ Tài chính nói: “Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới dân nghèo. Vì khi dân nghèo mua mớ rau, ký thịt không lấy hóa đơn nên không sao cả”. Ô hay, chẳng lẽ mớ rau, con cá, ký thịt lại là “ốc đảo”? Chẳng lẽ thuế VAT, vốn đánh thẳng vào người tiêu dùng, lại chừa ra người nghèo? Nhiều ý kiến bảo quan chức Bộ Tài chính thuyết minh kém về việc tăng thuế VAT, bởi lẽ tăng thuế là cách chẳng đặng chẳng đừng trong bối cảnh hiện nay. Ơ hay, chẳng lẽ kém thế mà vẫn làm quan được?
Nhưng có lẽ khôi hài nhất vẫn là phát ngôn “Bộ trưởng “không nói” chứ không phải nói “không có”” khi một vị thứ trưởng Bộ Y tế nói về việc em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong vụ VN Pharma. Nhiều người bảo đó là “nghệ thuật” sử dụng ngôn từ. Ừ thì nghệ thuật! Nhưng có lẽ nghệ thuật ấy không nên thốt ra từ vị thứ trưởng vốn là một bác sĩ giỏi, nhiệt tâm.
Cũng liên quan đến vụ VN Pharma, không chỉ vị thứ trưởng nói trên mà một thành viên biên soạn Luật Dược 2005 vẫn cố cãi dư luận rằng: “Thuốc ung thư do VN Pharma nhập về theo Luật Dược 2005 không phải là thuốc giả mà chỉ là thuốc kém chất lượng”. Tưởng điều này sẽ xoa dịu được công luận nhưng thật không may, nó vẫn làm cho công luận không thấy thuận tai. Bởi có cãi chày cãi cối gì đi nữa thì có lẽ thuốc chống ung thư của VN Pharma đã trở thành liều thuốc độc làm bốc hơi niềm tin của công chúng.
Đúng ra đã là quan chức thì mỗi phát ngôn phải “uốn lưỡi” hơn cả bảy lần. Chẳng lẽ “dân ngu khu đen” vẫn là quan niệm trong đầu nhiều quan chức?