Có hơn 100 gian hàng của các họ đạo từ các tỉnh, thành trong cả nước tham gia trưng bày lễ phẩm trong tòa thánh. Các nghệ nhân thỏa sức khoe tay nghề và bày tỏ lòng thành dâng lễ phẩm lên Phật mẫu. Lễ hội diễn ra trong ba ngày từ 13 đến 15 âm lịch tháng Tám hằng năm.
Nghệ nhân là nông dân, tài xế…
Anh Trần Ngọc (30 tuổi, quê Trà Vinh) có gương mặt rất hiền, dáng vẻ đậm chất nông dân. Nhưng nhiều người đã phải trầm trồ khen ngợi khi thấy anh chăm chút tạo hình bốn con vật trong tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng rất đẹp bằng trái cây trong gian hàng của họ đạo Trà Vinh.
Thực ra gian hàng của tỉnh Trà Vinh chưa phải lộng lẫy nhất vì có một số tỉnh khác thuê các nghệ nhân tạo hình rồng phượng cầu kỳ, đồ sộ hơn rất nhiều với kinh phí vài chục triệu đồng. Nhưng anh Trần Ngọc nhận được nhiều lời khen ngợi vì anh đã cặm cụi tạo tác một mình trong gần một tuần lễ mới hoàn thành.
Anh Ngọc nói: “Trà Vinh còn nghèo nên tôi quyết tâm tự học hỏi để làm cho tỉnh mình có lễ thật đẹp bằng anh em các nơi khác. 12 năm qua, năm nào tôi cũng hành hương về đây tham gia đại lễ. Cũng có nhiều người thuê tôi làm cho họ nhưng tôi chỉ dành tâm huyết làm lễ phẩm cho đại lễ. Xong lễ, tôi lại về quê làm ruộng và đi phụ đám cưới”.
Họ đạo huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) rực rỡ với cổng hoa đôi công rất đẹp. Người kết cổng hoa này là anh tài xế Nguyễn Đức Lợi (40 tuổi). Anh cho biết anh học nghề cắm hoa từ những người đi dâng lễ để làm công quả cho đạo. Dần dần anh có nghề trong tay nhưng anh chỉ trổ tài trong những dịp trọng lễ của tôn giáo mình.
Tín đồ Lý Sơn trưng bày đặc sản tỏi và nấm linh chi. Ảnh: HỒNG MINH
Khoe sắc văn hóa vùng miền
Anh Ngọc Quyền tỉ mỉ chăm chút cho từng bông cúc cắm vào mô hình chợ Bến Thành trong gian hàng của các họ đạo TP.HCM. Sau khi hoàn tất, mô hình chợ Bến Thành đẹp rực rỡ, nổi bật giữa những chiếc lồng đèn vàng thêu tay cầu kỳ. Anh Quyền cho biết anh và các đồng đạo đã chuẩn bị trước cả tháng cho đại lễ lần này. Anh lên ý tưởng thiết kế chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng để kể về lịch sử của TP mình. Anh kiên nhẫn trình bày với bất cứ du khách nào khi hỏi về TP và tôn giáo của mình.
Người thiết kế những chiếc lồng đèn rất cầu kỳ, rực rỡ, mang phong cách hoàng cung là anh Quyền Thanh. Anh cho biết nhiều nơi đặt lồng đèn của anh để trưng bày nhưng anh từ chối vì chưa có thời gian. Những cặp lồng đèn anh làm ra đều có hai màu đậm nhạt nhưng tương đồng về kích cỡ. Anh giải thích: “Sự đậm nhạt tượng trưng cho âm dương, cho hai phái nam nữ, sự tương đồng tượng trưng cho bình đẳng. Tôi muốn mọi người hướng tới sự bình đẳng, yêu thương”.
Riêng huyện đảo Lý Sơn dâng lễ phẩm là đặc sản tỏi và nấm linh chi. Tín đồ huyện đảo được rất nhiều người đến thăm hỏi bởi họ vượt một chặng đường rất xa về dự. Ông Ngô Thêm, một nông dân chính gốc huyện đảo, giọng nói rổn rảng vùng biển: “Nhiều người hỏi cực không, tui nói bình thường thôi à. Đi tàu vô đất liền có một chặng, đi thêm một chặng taxi vô bến xe, rồi bắt thêm một chặng xe vô Tây Ninh chứ có gì đâu mà mệt”.
Ông Trần Văn Hường (61 tuổi, quê Tiền Giang) cùng 17 người trong gia đình và họ hàng đã hành hương về Tây Ninh trên bảy chiếc xe máy. Các nhà trọ, khách sạn gần tòa thánh đã kín chỗ, ông và gia đình không ngại ngần giăng mùng ở lại trong khuôn viên tòa thánh cùng hàng ngàn gia đình khác. “Tôi chuẩn bị cả năm cho chuyến đi này, cả về tiền bạc lẫn sức khỏe. Các cháu nhỏ cũng được đi. Ở quê, chúng tôi chỉ làm nông bình thường, cuộc sống không khá giả. Nhưng sau mỗi mùa hành hương, chúng tôi có thêm động lực để làm việc, chăm sóc gia đình” - ông nói. |