Sức hút Hoài Linh không chỉ được nhen từ độ nóng của anh trên các chương trình truyền hình. Trong lần phong tặng này, Hoài Linh còn là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý kể trên.
Trong buổi lễ, khi cái dáng “khô gầy như con mắm” (từ mà nhiều nghệ sĩ nói về Hoài Linh trong nhiều tiểu phẩm) bước lên sân khấu chính để nhận danh hiệu, tiếng vỗ tay của khán phòng vang lên rầm rộ. Có thể nói anh là người nhận được sự cổ vũ của đông đảo người có mặt nhất trong buổi lễ trao tặng này thông qua những tiếng vỗ tay.
Nói về trường hợp của Hoài Linh, ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ VH-TT&DL cho biết: “NSƯT Hoài Linh gọi là trường hợp đặc biệt cũng được, gọi là trường hợp số một cũng được vì bảy lần trước không có”. Theo ông Cẩn, Hoài Linh được xét NSƯT bởi thứ nhất anh là công dân Việt Nam. Thứ hai, anh có nhiều cống hiến trong đời sống nghệ thuật cả nước nói chung và đặc biệt là phía Nam.
Danh hiệu NSND hay NSƯT là sự ghi nhận chính thức của Đảng, Nhà nước ta đối với cống hiến của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, chưa một năm nào danh hiệu này không đón nhận những luồng ý kiến khác nhau về những người được hoặc không được phong tặng. Bởi lẽ một trong những tiêu chí của sự phong tặng nằm ở các danh hiệu mà nghệ sĩ đó đạt được. Thế nên không ít trường hợp khi mùa lựa chọn danh hiệu bắt đầu thì kèm theo đó là sự xuất hiện không ít các bằng chứng tố cáo người nọ, người kia có biểu hiện “chạy danh hiệu, chạy bằng khen…” để đủ tiêu chí xét.
Nhiều nghệ sĩ xét ở thâm niên về sự cống hiến đều xứng đáng được phong tặng các danh hiệu kể trên, tuy nhiên khi “đếm” các bằng khen theo tiêu chí lại chưa đạt nên đành phải ngậm ngùi “thôi chờ mùa xét sau”. Không ít nghệ sĩ khi trượt danh hiệu vẫn bám víu vào câu nói “Danh hiệu nằm ở sự ghi nhận của công chúng” để tự an ủi mình, tuy nhiên ở một tầng sâu thẳm nào đó chắc không ai nỡ khước từ và không mong mỏi một danh hiệu khác có giấy đen dấu đỏ từ một sự ghi nhận chính thức.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh sau khi dẫn giải các quy trình xét danh hiệu cho hay năm nay các nghệ sĩ chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất từ hội đồng cấp cơ sở. Hồ sơ gốc của nghệ sĩ được gửi lên hội đồng cấp trên, việc sao lưu hồ sơ tại các cấp hội đồng do các đơn vị thực hiện. Quy định này giảm thiểu phiền hà cho nghệ sĩ, đảm bảo thực hiện cải cách hành chính theo quy định.
Trao đổi với báo chí bên lề buổi lễ, nghệ sĩ Hoài Linh tâm sự: “Tôi được biết trường hợp của tôi được 100% thành viên trong các hội đồng bỏ phiếu tán thành nhưng lại không dựa trên tiêu chí về huy chương đạt được trong các kỳ liên hoan, hội diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức”. Rõ ràng, khi sự tin yêu của công chúng gặp được sự đồng tình của hội đồng và được ghi nhận thì danh hiệu đó càng trở nên ý nghĩa hơn, xứng đáng hơn với người nhận.
Tiếng vỗ tay nhiều nhất cho nghệ sĩ Hoài Linh còn được hiểu là tiếng vỗ tay cho một sự đổi mới trong xét tặng khi người ta không chỉ chăm chăm ngồi đếm huân chương và máy móc ráp nó vào các tiêu chí để quyết định “gật hay lắc” với danh hiệu của nghệ sĩ đó.