Ngày 9-4, cùng với việc xử phạt Nam Em 10 triệu đồng vì tiếp tục vi phạm về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân, Sở TT&TT TP.HCM cũng báo cáo, kiến nghị Bộ TT&TT xem xét, xử lý ngăn chặn đối với tài khoản Facebook Nguyễn Lệ Nam Em và tài khoản TikTok Nguyễn Lệ Nam Em.
Theo một số chuyên gia, việc xử phạt đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm là một cách để làm trong sạch môi trường mạng hiện nay.
Nghệ sĩ đã từng đề xuất khoá tài khoản
Trước đó, vào năm 2023, tại Hội thảo về “Văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ- Likeday”, nhiều ý kiến đã nêu ra thực trạng về ứng xử trên mạng của nghệ sĩ và người nổi tiếng.
GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, bày tỏ môi trường mạng cũng là con dao hai lưỡi. Dẫn số liệu khảo sát mới được công bố của Microsoft, bà Loan khẳng định điều đó thể hiện bộ mặt văn hóa của một đất nước, rất đáng báo động. Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước.
Ở góc độ của một nghệ sĩ, người mẫu Hạ Vy cho rằng chúng ta cần có những giải pháp mạnh hơn chứ không nên chung chung đối với người nổi tiếng vi phạm. “Nếu nghệ sĩ có những ứng xử thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội như Facebook hay TikTok, chúng ta có thể báo với các đại diện của họ ở Việt Nam để khóa tài khoản đó lại. Không cần phong sát bất kỳ ai nhưng rất cần những chế tài mạnh để hạn chế sự tác động xấu của họ đến mạng xã hội”- chị chia sẻ.
Một số diễn viên trẻ thì cho rằng, khán giả sẽ là người phán xét công tâm nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đối với những hành vi lệch chuẩn.
“Khi nghệ sĩ hành xử trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì tình cảm từ khán giả sẽ không còn. Họ sẽ không được các nhãn hàng mời tham gia quảng cáo, sự kiện nữa. Đó là những hình phạt nghiêm khắc không kém chế tài phong sát hay cấm sóng” - diễn viên Hàn Trang nói.
‘Họ có vẻ thách đố dư luận quá”
PGS.TS. Lê Quý Đức, Nguyên phó viện trưởng viện Văn hóa - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, hiện nay nhiều nghệ sĩ và những người được cho là nổi tiếng có ứng xử không chuẩn, lệch chuẩn trên các nền tảng truyền thông.
Ông cũng cho rằng những người nghệ sĩ vi phạm trên mạng xã hội có mức độ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cũng khá nhiều, đây là cũng là nguy cơ đối với công chúng, đặc biệt người trẻ.
“Lớp trẻ hiện nay có những nhu cầu mới, có ý thức vươn tới những gì mới, vươn tới những gì gọi là tốt đẹp, trong tốt đẹp có cả sự nổi tiếng nên dễ hấp thụ những hình tượng của những người nổi tiếng hay hành vi, phát ngôn thậm chí trang phục của người nổi tiếng, đó là đặc trưng của lớp trẻ”- PGS.TS. Lê Quý Đức nêu.
Từ đó, ông cho rằng, cần điều tiết lại sự xuất hiện trước công chúng của những nghệ sĩ vi phạm trên mạng xã hội. Ông khẳng định, người được cho là nổi tiếng phải ý thức được trách nhiệm xã hội của họ. Bày tỏ quan điểm cho rằng cơ quan quản lý cũng phải đưa ra lệnh cấm để ngăn sự xuất hiện của họ với công chúng, nhưng PGS.TS. Lê Quý Đức cũng cho biết nhiều người bị xử phạt họ cũng có vẻ thách đố dư luận quá. Bởi vậy đây là một cách thức khá lâu dài.
Lợi ích quá lớn trong khi xử phạt không đủ sức răn đe
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội lại đề cao sự chung tay của khán giả, người sử dụng mạng xã hội, và kể cả nghệ sĩ trong việc phản đối những hành vi lệch chuẩn, không phù hợp của nghệ sĩ.
Theo ông, điều này sẽ giúp cho họ có ý thức nhiều hơn về hành động của mình, vì xét cho cùng, nghệ sĩ luôn cần có khán giả. Sự quay lưng của khán giả là hình phạt lớn nhất đối với nghệ sĩ.
“Tuy nhiên, cũng còn có những nguyên nhân khác khiến cho nghệ sĩ liên tiếp vướng vào scandal nhưng chưa hẳn đến sự sự nuông chiều của khán giả như áp lực cạnh tranh quá lớn của ngành công nghiệp giải trí, sự lỏng lẻo trong quản lý mạng xã hội, lợi ích quá lớn trong khi xử phạt không đủ sức răn đe, thậm chí do nhận thức chưa đầy đủ của chính nghệ sĩ, và kể cả lý do nghệ sĩ cũng giống như bất kỳ con người nào khác, họ có thể mắc lỗi và gặp phải những vấn đề trong cuộc sống.
Xem xét một cách toàn diện như vậy, chúng ta mới hiểu rõ hơn về thị trường giải trí, cũng như nghệ sĩ trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.
Nhắc lại Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ TT&TT ban hành giữa tháng 6-2021, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói quy định trên của Bộ TT&TT có thể là một biện pháp để tăng cường trách nhiệm của các nghệ sĩ với công chúng và giúp đảm bảo sự chuyên nghiệp trong ngành giải trí, cũng như khiến họ có ý thức tự giác hơn về hành vi của mình trên mạng xã hội và trên các chương trình truyền hình, hay ngay cả trong cuộc sống.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định cấm sóng cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Để giúp các nghệ sĩ nghiêm túc hơn với nghề, cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ để họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi về cách thức hoạt động của ngành giải trí để đảm bảo sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của các nghệ sĩ.