Nghề thợ khóa không tiếp tay kẻ trộm

Mấy tháng qua, giới thợ khóa (thợ làm khóa, mở khóa) ở xôn xao về chuyện hai đệ tử của thầy mở khóa Trần Văn Xê (thường gọi là Ba Xê) gặp tai nạn nghề nghiệp. Họ bị công an tỉnh mời tới mời lui nhiều lần, còn phải đi diễn lại để công an làm hiện trường một vụ mở khóa thiếu minh bạch ở phường 4 (PLO đã từng phản ánh). Đã vậy lại còn bị người ta bình luận lung tung về đạo đức.

Sự cố hiểm hóc

Số là hôm 22-6-2013, ông Ba Xê bận việc, không ra quản cửa hàng mà giao phó hết cho hai đệ tử là Nhâm Dương Khang và Trần Nguyễn Quang Thái. Chiều đó, người ta đến kêu Thái và Khang đi mở két sắt bị mất khóa ở phường 4. Khi đến nơi thì trời đã sụp tối, hai đứa lui cui mở, xung quanh khoảng năm, sáu người nhà vừa xem vừa quay phim lại quá trình mở khóa. Khoan xong cửa sắt, theo nguyên tắc nghề nghiệp, Khang và Thái bước ra ngoài cho người nhà tự mở cửa tủ sắt ra. Vậy là xong việc, người ta trả công những 400.000 đồng, hai đứa xem như vô mánh, kéo nhau đi nhậu chơi.

Hơn tháng sau, công an đến mời cả hai về điều tra, còn buộc nhiều lần lên xuống diễn lại phần việc đã từng làm. Khang, Thái rầu buồn mấy tháng, còn bị sư phụ gõ đầu trách mắng không giữ nguyên tắc nghề nghiệp.

Ông Ba Xê cắt nghĩa: “Có té mới biết sợ té. Làm nghề này mà mơ màng với nguyên tắc nghề nghiệp thì có ngày ở tù như chơi”. Ông phân tích, lẽ ra khi được đề nghị mở khóa vào ban đêm, lại không ai biết mã số là phải biết từ chối liền hoặc ít nhất là đề nghị mời chính quyền địa phương đến chứng kiến để không phiền phức về sau.

Ở tuổi 66, ông Ba Xê vẫn cặm cụi truyền nghề cho các học trò tại dốc cầu Mới, Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Né người gian

Không có một văn bản rõ ràng nào về đạo đức của nghề mở khóa, làm chìa khóa nhưng các bậc tiền bối trong nghề qua trải nghiệm trăm năm đã định hình ra và dạy cho các học trò mình luôn luôn giữ đạo đức nghề nghiệp. Theo ông Ba Xê, làm như vậy vừa để bảo vệ khách hàng, vừa để bảo vệ chính bản thân người thợ khóa. Ông đúc kết: “Nghề này cần người có đạo đức. Phải tuyên thệ không làm việc gian, không giúp kẻ gian. Người nào không giữ đạo đức nghề là bị đào thải ngay, mà nghề này nó đào thải độc lắm, ở tù chứ không phải chơi đâu!”.

Ba Xê hành nghề mở khóa từ năm 25 tuổi, ngay sau khi bị tai nạn mất một chân, bế tắc trong cuộc sống. Ông học nghề ở Cần Thơ, sau lên Sài Gòn nâng cao trình độ ở cửa hiệu khóa Hậu Ký. Ông về Cà Mau cùng Tâm Râu và ông Năm Chìa Khóa độc quyền thị trường thị xã Cà Mau lúc ấy. Mỗi tuần vài ba lần, ba thợ khóa ngồi với nhau lai rai rượu đế với khô khoai dưới dạ cầu mới. Họ nói nhiều về giao kết giá cả để đừng có phá giá nhau. Rồi nói về đạo đức nghề, chia sẻ kỹ thuật mở những loại khóa thế hệ mới, nói về tương lai nghề nghiệp…

Ông Ba Xê tự hào bảo rằng hồi trước nhóm của ông đã giữ được đạo đức đến nay và nhận định đúng về tương lai của nghề mình là ai làm ngay ngắn thì sẽ khấm khá. Khi xã hội càng phát triển thì mỗi người có thêm nhiều cái chìa khóa. Thợ khóa làm không hết việc.

Bằng nghề này, ông Ba Xê đã nuôi sống một vợ hai con từ 41 năm qua. Các đệ tử của ông, đứa dốt, đứa tật nguyền, đứa cùng đường mưu sinh… tính ra đã có vài chục đứa được ông cho cái nghề rồi về lập thân, lập nghiệp, sống thảnh thơi, không lo đói khát. Ông khoe thêm: “Mới cho “xuống núi” một đệ tử ở Tân Thành, Cà Mau. Nó tên Tèo, bị tai nạn giao thông hư một chân. Số mạng nó giống hệt tui. Hôm qua chạy lại đây hào hứng lắm, báo cho tôi hay đã mở được cái tiệm rồi”. Ông Ba Xê hạnh phúc nhất khi có được những “đệ tử” biết giữ đạo nghề và tự mãn với bản thân khi chưa lần nào bị đồng tiền cám dỗ, hư thân.

 Cách đây năm năm, một người từ tỉnh Kiên Giang đi xe hơi qua thỏa hiệp với ông một vụ lấy trộm tiền trong két sắt của một công ty. Ông Ba Xê được cam kết bảo đảm an toàn đường đi nước bước và được hứa thưởng 150 triệu đồng sau phi vụ. Ông lắc đầu từ chối. Cách đây hai tuần, một phụ nữ đẫy đà đến nhờ ông giúp mở một két sắt để bà trộm tiền của mẹ chồng. Ông cũng từ chối không chút do dự.

Ông Ba Xê và các lão làng trong nghề thợ khóa Cà Mau vẫn hay ngồi nhắc nhau, nhắc các đệ tử câu chuyện chặt bỏ lóng tay của ông Sáu Khóa ở Cần Thơ. Thời đó, trước năm 1975, ông Sáu Khóa là thợ có tiếng khu vực Hậu Giang, Cần Thơ hôm nay. Ông được một người đàn ông nhờ đến nhà mở két và được thưởng hậu. Nhưng liền đó, ông bị tòa án kết án sáu tháng tù treo vì cái tội đồng phạm với ông chồng trộm cắp tài sản riêng của bà vợ. Khi bị tuyên án xong, ông Sáu Khóa về nhà chặt liền một lóng tay ngón trỏ trái để nhớ đời. Ông thề dứt dạc là nếu không đủ vợ, đủ chồng thì nhất định phải có công an ông mới mở khóa tủ sắt. “Sáu Khóa là thầy ông Lập ở Cần Thơ. Ông Lập là thầy đầu tiên của tôi. Về vai vế, xem như ông Sáu Khóa là sư tổ của tôi” - ông Ba Xê giải thích thêm.

Nghề thợ khóa không tiếp tay kẻ trộm ảnh 2

Thằng học trò đầu tiên của tôi tên là Một, trên giấy tờ tên Bão. Hồi đó nó bị con bồ rù quến tham gia một vụ trộm tại tiệm thuốc bắc Bảo An Đường, gần Chùa Bà. Nó mở được tất cả cửa trong nhà thuốc này để đồng bọn vơ vét sạch sẽ. Sau khi đãi tôi một chầu ăn sáng, nó bị cảnh sát hình sự tóm cổ, ở tù hết bảy năm. Mình rút ruột dạy đạo đức nghề, đứa nào theo được thì ăn nên làm ra, đứa nào phản nghề thì coi như xong đời.

Ông TRẦN VĂN XÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm