Hôm qua (13-11), Quốc hội (QH) đã dành cả ngày làm việc để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong PCCC giai đoạn 2014-2018.
Nhiều đại biểu (ĐB) nhận xét: Có nhiều lỗ hổng trong công tác PCCC, thậm chí có bóng dáng của tiêu cực, thiếu trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước mà 110 chung cư, cao ốc chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng là minh chứng.
Truy trách nhiệm người đứng đầu
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) dẫn báo cáo của đoàn giám sát QH cho thấy hiện cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy cơ cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
“Tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC...? Cần chấn chỉnh tình trạng này, bắt buộc các chủ đầu tư chung cư, cao ốc phải đảm bảo các điều kiện PCCC mới được đưa vào sử dụng” - bà nói.
ĐB Xuân dẫn vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cách đây ba năm khiến nhiều người thiệt mạng để nêu vấn đề về công tác quản lý PCCC ở các nhà hàng, quán bar, karaoke.
“Có hay không tiêu cực trong hoạt động cấp phép, kiểm tra, giám sát đối với các loại hình dịch vụ này?” - bà hỏi.
Bà nêu báo cáo giám sát cho thấy hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người thiệt mạng, nhiều hecta rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi. “Nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCCC” - ĐB Xuân nói.
Bà cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC và đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hỏa hoạn xảy ra.
ĐB Xuân đề nghị trong nghị quyết của QH tới đây cần quy định một điều tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ về PCCC.
Cùng nội dung này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho hay từ tháng 7-2018 đến thời điểm có báo cáo giám sát, có đến 43 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, bằng 86% của bốn năm trước, trong đó có ba địa phương (Hà Nội có năm vụ, TP.HCM sáu vụ, Bình Dương 10 vụ).
“Vì sao? Chúng ta phát triển nóng quá cháy hay là do trách nhiệm? Nguyên nhân thì nhiều nhưng trong báo cáo không thấy lãnh đạo, quan chức lớn nào bị xử lý; rất ít vụ khởi tố… Phải chăng việc cháy không đến với lãnh đạo các cấp, các ngành nên không hề có trách nhiệm gì, chỉ có người dân chịu thôi?” - ông nêu hàng loạt câu hỏi và đề nghị cần phải truy trách nhiệm người đứng đầu đối với vấn đề PCCC.
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị chấn chỉnh tình trạng chung cư, cao ốc chưa đảm bảo các điều kiện PCCC đã đưa vào sử dụng. Ảnh: T.PHÚ
Sẽ siết PCCC đối với chung cư, cao ốc
Các ĐBQH cũng đề cập đến những bất cập trong công tác PCCC tại nhà chung cư, cao tầng. Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận mặc dù hệ thống quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng đủ sức điều chỉnh hoạt động thực tiễn về PCCC nhưng vẫn còn tản mạn, một số nội dung lạc hậu. “Ví dụ, hiện nhà chung cư cao trên 150 m chưa có quy chuẩn cụ thể, nhất là trong PCCC” - ông nói.
Ông cũng thừa nhận công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là xử lý vi phạm đối với PCCC tại các công trình cao tầng là chưa nghiêm, dẫn đến chuyện nhiều công trình cao ốc, chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng, nhiều chủ đầu tư công trình có biểu hiện nhờn với pháp luật.
“Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Thời gian tới sẽ làm hết sức mình để góp phần cùng các bộ, ngành, địa phương khắc phục những hạn chế, bất cập trong PCCC” - ông nói.
Theo đó, Bộ trưởng Hà khẳng định thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp về PCCC theo xu hướng phát triển các công trình xây dựng hiện nay, đặc biệt là các chung cư, cao ốc. Trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn về các loại vật liệu mới, thiết kế; nghiên cứu có cho đỗ xe trong tầng hầm hay không; yêu cầu các cao ốc, chung cư phải có một tầng riêng để lánh nạn, đề phòng hỏa hoạn, sự cố…
“Tôi cũng nói thật, vừa rồi rà soát hoàn thiện quy định, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có đòi hỏi cần hạ thấp các tiêu chuẩn. Nhưng quan điểm của chúng tôi là không hạ thấp các tiêu chuẩn, quy chuẩn này vì tính mạng, tài sản của con người là trên hết” - ông chia sẻ.
346 người chết, 823 người bị thương, thiệt hại hơn 6.500 tỉ đồng và gần 6.500 ha rừng bị thiêu rụi trong thời gian từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018. |
Vướng việc mua sắm trang thiết bị
Cùng giải trình trước QH về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin: Theo quy luật, khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì càng xảy ra nhiều vụ cháy, phức tạp hơn. Thực tế các nước phát triển cũng có tình trạng này. “Đây cũng là quy luật chúng ta không hề chủ quan. Các địa phương phát triển cũng có tình hình như vậy” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Ông cũng cho hay là thời gian qua Bộ Công an đã cương quyết xử phạt, đồng thời đề nghị UBND cấp tỉnh có biện pháp xử lý bắt buộc các chủ đầu tư thực hiện như công khai danh sách chủ đầu tư và các công trình vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, không xem xét và cấp phép các dự án mới mà các chủ đầu tư chưa khắc phục vi phạm đối với các tòa nhà hiện hữu.
“Chỉ có 1% số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 99% số vụ cháy còn lại là vừa và nhỏ do được dập tắt kịp thời… Nhiều chiến sĩ PCCC đã xả thân quên mình, không ngại nguy hiểm cứu người, cứu tài sản” - ông nói.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng chia sẻ câu chuyện kinh phí PCCC yếu, trang thiết bị lạc hậu tại nhiều địa phương… Dẫn chứng vụ cháy tàu chở xăng dầu xảy ra ngày 10-3-2018 tại Hải Phòng, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: “Nếu vụ nổ, cháy này không dập tắt kịp thời sẽ là thảm họa quốc gia. Vì ba kho tiếp nhận xăng dầu rất gần nhau ở cảng Hải Phòng”. Trong khi đó, Hải Phòng khi đó chưa có tàu chữa cháy trên sông, phải điều hai tàu chữa cháy từ Quảng Ninh mất 4 tiếng di chuyển; hóa chất chữa cháy Hải Phòng chỉ có 2 tấn, phải điều từ Bộ Công an 10 tấn; thậm chí không có tàu kéo, cáp kéo nặng 4 tấn không có phương tiện nào móc được vào tàu đang cháy… Trước những khó khăn đó, ông cho hay khi đó lực lượng chức năng đã từng phải tính toán phương án sơ tán dân của quận Hải An, Hải Phòng đi ra khu vực khác vì khu vực người dân ở chỉ cách những kho xăng dầu 50-100 m…
“Sau đó Hải Phòng rút kinh nghiệm mua tàu PCCC trên sông nước nhưng vướng đầu tư công. Bộ Công an không có kinh phí, UBND, HĐND TP Hải Phòng cho tiền mua nhưng tài sản không được giao cho Bộ Công an. Vì vậy những vấn đề đó trên thực tế còn vướng mắc rất nhiều” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Những bất cập trong công tác PCCC • Nhiều quy định của pháp luật về PCCC không còn đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội. • Những tồn tại, bất cập về hạ tầng kinh tế - xã hội, trụ sở các cơ quan, cơ sở sản xuất không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng không thể khắc phục được. • Thiếu đồng bộ giữa phát triển kinh tế với yêu cầu PCCC. • Vi phạm các quy định về an toàn trong sử dụng điện dân dụng tăng do thiết kế, lắp đặt hệ thống điện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình chưa tính toán đến các phụ tải phát sinh dẫn đến quá tải, chập điện, gây cháy nổ. • Tập quán canh tác nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt còn tiếp diễn, khó kiểm soát. • Ngân sách đầu tư cho lực lượng PCCC còn hạn hẹp, nguồn kinh phí cho PCCC thường bố trí chung với kinh phí đảm bảo an ninh trật tự; phương tiện, thiết bị cảnh báo lạc hậu, kém hiệu quả. • Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế; chưa làm hết trách nhiệm. • Công tác PCCC tại đơn vị, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. • Lực lượng cảnh sát PCCC chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và năng lực chuyên môn… |