Ông Aleksandr Mikheev, người đứng đầu tập đoàn xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport, ngày 29-4 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan tâm lớn việc mua các khí tài quân sự của Nga bên cạnh hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, theo kênh Press TV.
Theo ông Mikheev, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ hứng thú muốn mua các hệ thống phòng không do Nga chế tạo ở nhiều phạm vi hoạt động khác nhau, đạn chống tăng cũng như các trạm vũ khí điều khiển từ xa.
Xe bọc thép GAZ-233115 “Tiger-M” SPN SPV của Nga. Ảnh: PRESS TV
Ông Mikheev thêm rằng Moscow và Ankara đã thành lập một số công ty liên doanh nhằm phát triển máy bay chiến đấu và trực thăng hiện đại, mô-đun cho phương tiện bọc thép và bảo dưỡng các loại vũ khí đã bán cho Thổ Nhĩ Kỳ trước đó.
Vị quan chức Nga cho biết nhờ vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa giới lãnh đạo hai nước mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản được các nỗ lực can thiệp vào hợp tác quân sự song phương.
Ngày 10-4, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho hay Nga quan tâm tới việc mở rộng hợp tác quân sự và kỹ thuật với các quốc gia khác, sẵn sàng xem xét ký các hợp đồng S-400 mới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyên bố của ông Peskov đến sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát đi tín hiệu Ankara có thể đặt mua thêm hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nga nếu Mỹ từ chối cung cấp hệ thống phòng không đất đối không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Trước đó Giám đốc điều hành Rosoboronexport cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm mua máy bay Nga nếu Mỹ không bàn giao tiêm kích F-35, nói rằng Moscow sẵn sàng thảo luận với Ankara về kế hoạch mua sắm như vậy.
Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều rắc rối trong việc tiếp nhận máy bay F-35 mà nước này đã đặt mua kể từ khi Ankara ký với Moscow hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400. Giới chức Mỹ tuyên bố hệ thống của Nga có thể thu thập thông tin về tiêm kích của Mỹ và phơi bày những điểm yếu của F-35 cho Moscow.
Ông Trump-Erdogan bàn cách giải quyết bế tắc S-400
Theo kênh Press TV, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 29-4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề xuất thành lập một tổ công tác chung liên quan đến thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.
"Tổng thống của chúng tôi đã đưa ra lời đề nghị thiết lập một nhóm làm việc chung liên quan đến việc chúng tôi mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Liên bang Nga”, tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Hai nước Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ suốt nhiều tháng qua loay hoay tìm cách giải quyết việc Ankara ký hợp đồng mua các tên lửa phòng không S-400 từ Mowcow. Mỹ và phương Tây phản đối kịch liệt hợp đồng nói trên với lý do hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và có thể gây ảnh hưởng xấu đến các chiến đấu cơ F-35.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina tháng 12-2018. Ảnh: AFP
Theo lời Ankara, một nhóm làm việc chung có thể sẽ đánh giá được ảnh hưởng gây ra từ tên lửa S-400 đối với các chiến đấu cơ F-35. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lời đề nghị lập nhóm làm việc chung từ rất lâu. Tuy nhiên, cho đến hồi cuối tuần vừa rồi, Ankara cho biết, họ vẫn chưa nghe được bất kỳ câu trả lời hay phản ứng nào từ phía Mỹ đối với lời đề nghị của họ.
Nhà Trắng hôm 29-4 xác nhận hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề trên.
"Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ rất rõ và kiên quyết đối với đại diện của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về việc chúng tôi quan ngại sâu sắc trước hợp đồng mua S-400", một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói với Reuters.
Ngoài ra, ông Trump và ông Erdogan đã thảo luận về tình hình Syria và đồng thuận duy trì hợp tác song phương chặt chẽ trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như xác nhận mong muốn tăng cường cán cân thương mại giữa hai quốc gia lên 75 tỉ đô.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần khẳng định Ankara sẽ không từ bỏ thương vụ S-400 bất chấp sức ép từ Mỹ. Ông nhắc lại chuyện Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ thay vì ưu tiên mua hệ thống do Nga sản xuất, tuy nhiên Washington không thể cung cấp cho Ankara một thỏa thuận tốt hơn so với Moscow.
Về phần mình, Mỹ nhiều lần đình chỉ bàn giao các thiết bị, phụ kiện liên quan tới F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa lệnh trừng phạt nếu nước này không từ bỏ S-400. Tình hình phức tạp thêm khi một số thiết bị của F-35 được sản xuất độc quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ và với động thái ngừng bàn giao này, Mỹ được cho đang xem xét kế hoạch chuyển quá trình sản xuất sang châu Âu.
Ankara đang cố gắng tăng cường năng lực phòng không của nước mình, đặc biệt sau khi Washington năm 2015 quyết định rút hệ thống phòng không Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, động thái được xem là làm suy yếu hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ.