Trong tuần, bài viết “Game bắn cá bao vây trường học ở TP.HCM” đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc. Bên trong các tiệm game là những “cô tú, cậu cử” miệt mài bấm game và tự biến mình thành những con bạc phải bỏ học, trốn nợ.
Game bắn cá: Chơi ảo, hại thật
Là một giáo viên và cũng là một phụ huynh có con dính vào trò chơi game bắn cá quái ác này, bạn đọc ThuThuy chia sẻ: “Khi dính vào trò chơi này, con tôi học hành sa sút, người lúc nào cũng vật vờ và có thái độ không đúng mực với mọi người xung quanh. Bản thân tôi và gia đình đã rất khổ sở vì việc này, phải tốn nhiều công sức, thời gian để cháu rời xa trò chơi quái ác này”.
Bạn Minh Hoàng cho biết: “Ở khu phố tôi đã có mấy gia đình có con dính vào cái game bắn cá này, hậu quả là gia đình nào cũng tan nhà nát cửa vì nợ nần. Người chơi game này thường được gọi là “ngư thủ” - người câu cá. Điều oái oăm là các “ngư thủ” đều bị cá nuốt hết tiền bạc, nhà cửa, sức lực lúc nào không hay. Thậm chí đã có nhiều án mạng chết người xảy ra xung quanh trò chơi ảo này. Đúng là chơi ảo nhưng hại là thật”.
Bạn ThanhTuan bức xúc: “Tôi thấy công an các địa phương nên cấm và dẹp ngay các dịch vụ vui chơi mang tính cờ bạc trá hình. Trò chơi này đã gây ra biết bao nhiêu cảnh gia đình tan nát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”.
Một số bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Pháp luật bị thách thức coi thường chỉ vì một bức tường?
Bài viết “Sở Xây dựng Khánh Hòa “cút bắt” với Đồi Xanh”tiếp tục thu hút quan tâm của bạn đọc và dư luận bởi sự phớt lờ của chủ đầu tư trước những yêu cầu của cơ quan chức năng Khánh Hòa.
Bạn Gia Cát đặt câu hỏi: “Chủ đầu tư công trình này là ông trời con ở Khánh Hòa hay sao? Tình trạng của bức tường chắn này ngày càng nguy hiểm khi bê tông, gạch liên tục rơi xuống nhà dân nhưng tại sao không cưỡng chế phá bỏ được? Thêm một ngày bức tường này tồn tại là một ngày pháp luật bị thách thức coi thường”.
Nhiều bạn đọc khác bày tỏ sự ngạc nhiên trước thông tin do giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cung cấp. Sở đã kiểm tra công trình này 11 lần, trong đó có tám lần giám đốc Sở trực tiếp đến kiểm tra. Tuy nhiên, Sở chưa xử lý được là do… chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, thiếu người. “Nếu thiếu phương tiện, thiếu người rồi cứ để như vậy hoài hay sao?” - bạn HuynhTrung đặt câu hỏi.
Tài xế mệt mỏi, hãy tìm chỗ nghỉ ngơi
Mọi tài xế khi lái xe vào địa bàn TP.HCM mà có hơi bia, có chất kích thích sẽ bị xử lý ngay. Bài viết “Huy động tổ 363 cùng CSGT TP.HCM test ma túy tài xế” với thông tin nói trên đã được đông đảo bạn đọc đồng tình và tham gia bình luận.
Các bạn đọc Xuân Nghĩa, Tấn Trọng… đều ủng hộ việc kiểm tra ma túy, nồng độ cồn thường xuyên các tài xế, không chỉ là các tài xế xe khách, xe container.
Bạn ThanhTung đề xuất: Để ngăn ngừa tệ nạn này thì trách nhiệm các chủ xe, doanh nghiệp chủ quản rất quan trọng. Phải tuyên truyền, ngăn ngừa ngay từ đầu chứ đừng để tài xế dính vào rồi mới xử lý. Nhiều bạn đọc cho rằng CSGT cũng nên có các khuyến cáo tác hại của chất kích thích đến từng tài xế để họ hiểu rằng dùng chất kích mà cầm vô lăng là đồng nghĩa với giết người.
Để giúp các tài xế tránh xa nạn dùng chất kích thích, bia rượu khi lái xe, bạn Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Tôi lái xe tải đã trên 10 năm rồi, nhiều tài xế suy nghĩ dùng chất kích thích sẽ chống cơn buồn ngủ, tỉnh táo để lái xe. Đây là một sai lầm, chất kích thích gây ảo giác cho tài xế, rượu bia thì dễ làm tài xế buồn ngủ bất chợt nên tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi. Mệt mỏi, buồn ngủ thì hãy vào các trạm dừng chân, trạm xăng để nghỉ ngơi lấy sức. Đấy mới là giải pháp an toàn cho tài xế đường dài”.
Đàn heo có “bảo kê”? “Làm gì với đàn heo thả rông trên đường Phạm Văn Đồng?”, “Chính quyền nói gì về đàn heo thả rông trên đường Phạm Văn Đồng?”... là các bài viết phản ánh việc người dân ở khu vực phường 13, quận Bình Thạnh nhiều năm phải chịu đựng cảnh sống chung với đàn heo. Nhiều bạn đọc bức xúc tại sao chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm. “Hằng ngày tôi chạy xe ngang qua đây phải bịt mũi vì mùi hôi thối do đàn heo này. Người dân ở đó phải chịu đựng mấy năm trời thì quá khổ rồi. Chính quyền xử phạt mà chủ nuôi vẫn không chấp hành là đành bó tay hay sao?” - QUÂN LÊ. “Một đàn heo tung tăng giữa phố thị đông người trong nhiều năm trời, mùi hôi thối thì “nồng nàn” cả khu vực. Vậy mà chính quyền không xử lý gì được hay sao?” - TUẤN VŨ. “Không thể tưởng tượng nổi giữa một đại lộ hiện đại, văn minh của một thành phố lớn nhất nước mà ngỡ như ở đường Rừng Sác. Bó tay thiệt tình luôn” - ANH PHÚ. “Lãnh đạo phường như thế thì có mà khổ bà con, quá sức thờ ơ hay đàn heo có “bảo kê”?” - NGUYỄN PHƯƠNG. |