Cũng như tôi, nhiều người đã bức xúc trước việc một chị PV ở Đài Truyền hình Việt Nam bị tông thẳng về phía mình khi đang thực hiện việc ghi hình phản ánh tình trạng hồ thủy lợi bị lấn chiếm trái phép ở Hà Nội. Chị PV may mắn hơn chị lao công vì cú tông đó chỉ trúng chiếc máy ghi hình.
Hai sự việc này xảy ra gần nhau, tuy khác nhau về sự vụ nhưng có một điểm chung là những người đi bảo vệ lợi ích công cộng bị tấn công bởi chính những người, nhóm người đang ngang nhiên xâm phạm lợi ích chung đó.
Sẽ là rất có vấn đề nếu xung đột lợi ích công-tư được giải quyết bằng bạo lực có xu hướng tăng lên mà đối tượng thiệt thòi nằm ở phía người đi bảo vệ lợi ích công cộng.
Bởi điều ấy là sự báo động cho tình trạng tư lợi lên ngôi và đè bẹp các giá trị chung của cộng đồng. Nó cũng cho thấy các thiết chế bảo vệ lợi ích công cộng đã không đủ mạnh để bảo vệ người thực thi nó cũng như tạo ra ý thức tự thân cho mỗi thành phần trong xã hội. Đấy, chỉ cái chuyện đổ rác đúng chỗ mà người công nhân vệ sinh đã phải nhận cú trả đũa trời giáng thì thử hỏi bảo vệ rừng, bảo vệ biển... cho con cháu sau này không bị ngoi ngóp trong ô nhiễm còn khó khăn biết nhường nào.
Sự thắng thế của bạo lực trước sự cương tỏa của luật pháp sẽ là một tiền lệ vô cùng xấu cho sự vận hành xã hội. Bởi nó tác động nghiêm trọng đến sự giữ gìn kỷ cương của xã hội và niềm tin của công chúng đối với các thiết chế bảo vệ kỷ cương ấy. Điều này chắc chắn không phải là sự “lo quá xa” của chúng tôi nếu nhìn vào tình trạng chọn lựa sử dụng bạo lực để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của một bộ phận trong xã hội, trong đó có cả những người có hiểu biết diễn ra không ít gần đây.
Sẽ rất đáng suy nghĩ về tình trạng này khi đặt nó vào bối cảnh các “nhóm lợi ích” đang câu kết xâm hại đến lợi ích của quốc gia. Nói gì thì nói, hành xử từ cán bộ, quan trên vẫn là tấm gương phản chiếu để người dân “nhìn ra ngó vào”. Vì vậy, những người trong bộ máy công quyền được nhân dân giao phó cho nhiệm vụ bảo vệ lợi ích công cộng mà lại lợi dụng vào quyền lực đó để xâm hại chính mục tiêu bảo vệ của mình thì làm sao không ảnh hưởng đến hành xử của dân chúng.
Phải xử nghiêm kẻ đã sử dụng bạo lực để bảo vệ lợi ích sai trái của mình, chống lại lợi ích của cộng đồng, tất nhiên phải thế! Nhưng việc lớn hơn phải tính ngay từ bây giờ là phải làm sao để việc bảo vệ lợi ích công phải trở thành hành xử chung của xã hội.