Người chuyển giao Trung tâm IBM

1. Đơn vị chúng tôi vào Sài Gòn rất sớm, một số cán bộ tình báo do ông Bảy Vĩnh chỉ huy đã cắm cờ ở Bộ Tổng tham mưu (BTTM) vào khoảng hơn 10 giờ sáng 30-4-1975, trước cả đơn vị cắm cờ ở dinh Độc Lập gần nửa tiếng nhưng hiềm nỗi là loại cờ quấn quanh người nên rất nhỏ, vả lại BTTM không phải là cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn nên thành quả này ít được chú ý.

Chúng tôi đi vào BTTM từ cổng số 4 (đường Võ Di Nguy, nay là đường Nguyễn Kiệm) trên hai chiếc xe Jeep lấy được của quân đội Sài Gòn ở đầu cầu An Phú Đông sau hai ngày đêm kịch chiến, lúc này BTTM vắng tanh, lính tráng của quân đội Sài Gòn đã bỏ súng chạy hết cả. Chúng tôi dừng xe và phân công nhau đi trinh sát từng khu nhà. Nhóm chúng tôi vào tòa nhà không to, cũng không cao, chỉ có một tầng nhưng xem ra trước đó được canh phòng rất cẩn mật vì thấy có hai bốt gác hai bên, cổng sắt to cao và khuôn viên trong sân trang trí rất đẹp, có cây xanh nghệ thuật, đài phun nước. Khi chúng tôi vừa bước vào thì thấy một người chừng hơn 40 tuổi, dáng nhỏ thấp, mặc thường phục áo trắng quần xanh nhạt, dáng vẻ trí thức đứng sẵn ở sau cổng đợi chúng tôi. Ông ta mở cửa chào và xưng danh là Đại tá Chu Văn Hồ, chỉ huy trưởng Trung tâm Điện toán của BTTM.

Lúc ấy tôi còn rất trẻ, còn thiếu những tám tháng nữa mới đầy 20 tuổi nhưng tỏ ra rất chững chạc. Tôi nói với ông ta là ông không còn là đại tá nữa, từ giờ phút này ông là công dân thường và dưới sự quản chế của chúng tôi. Thật ra tôi không phải là chỉ huy, chỉ là trung đội trưởng thôi nhưng tình thế lúc đó buộc tôi phải đứng ra lãnh trách nhiệm, bởi vì anh em trong nhóm vào tòa nhà điện toán này tất cả là tình báo nội thành. Họ là người của ta nhưng hoạt động trong vỏ bọc là các sĩ quan của quân đội Sài Gòn. Họ giỏi lấy tin nhưng tác chiến thì không thạo mà cũng không biết trong tình huống này thì phía quân giải phóng nên làm như thế nào thì phải.

 
Trung tâm Điện toán ở BTTM Sài Gòn khi tiếp quản. Ảnh: Tư liệu

2. Sau khi tiếp xúc, nguyên Đại tá Chu Văn Hồ ngỏ ý đưa tôi đi xem tòa nhà. Rất cảnh giác, tôi gọi thêm mấy anh em cùng đi. Ông ta đưa chúng tôi vào một tòa nhà bên trong mát lạnh, tiếng máy chạy rì rì. Quả thật là lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là máy lạnh và tiếp xúc với khoa học kỹ thuật phương Tây. Tôi thấy những dàn máy màu xám xanh chạy dài nối tiếp nhau đang hoạt động, đèn xanh đỏ nhấp nháy. Ông ta giới thiệu đây là hệ thống máy tính hiện đại nhất Đông Nam Á, nó quản lý tất cả nhân sự, quân trang, khí tài và vật liệu của 1,2 triệu quân Sài Gòn và bộ máy phục vụ chiến tranh.

Ông ta thao tác cho tôi thấy chỉ cần một cái lệnh sau đó ấn nút cái rẹc là lấy ra được bất kỳ thông số nào của bộ máy quân sự Sài Gòn bằng loại phiếu đục lỗ. Thật sự tôi không hiểu lắm, lần đầu tiên được biết cái máy này nhưng được cái là có trình độ học vấn lớp 10/10 (hệ đào tạo ở miền Bắc trước đây) - được coi là có học vấn cao nhất của đơn vị ở căn cứ xuống lúc đó nên tôi cũng hiểu được chút ít giá trị của cỗ máy. Ông ta nói với tôi, loại máy này đắt tiền lắm, cố gắng bảo vệ nó, đừng có tắt máy lạnh sợ hỏng. Ý kiến này được các anh tình báo nội thành tán đồng, thực sự thì các anh đều đã học hết tú tài, CĐ cả, có anh là giáo sư trung học, có anh tốt nghiệp võ bị Đà Lạt,… Thấy vậy, tôi chạy ngay đi báo cáo tình hình cho các thủ trưởng đơn vị là Cụm trưởng Bảy Vĩnh và chính ủy Tư Hiện. Cũng như tôi, các vị chỉ huy dù ít biết về kỹ thuật nhưng đều hiểu rằng cần phải bảo vệ tòa nhà này. Vậy là nhóm chúng tôi gồm bảy người nhận được quân lệnh túc trực bảo vệ căn nhà bằng bất cứ giá nào, cho dù phải đổ máu. Sau 10 ngày bảo vệ trọn vẹn mục tiêu, chúng tôi bàn giao lại cho Ủy ban Quân quản để đi làm nhiệm vụ khác.

Nhóm biệt động vào tiếp quản Trung tâm Điện toán của BTTM quân đội Việt Nam Cộng hòa sáng 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu

 
Ông Chu Văn Hồ

3. Tình cờ sau này tôi gặp lại anh Quang, đồng hương và cũng là người đầu tiên tiếp quản Trung tâm Điện toán ngay sau khi chúng tôi bàn giao và được biết thêm là ngày ấy nhóm cán bộ tiếp quản Trung tâm Điện toán là các chuyên gia về máy tính vừa tốt nghiệp từ Trường ĐH Tổng hợp Minxcơ của Liên Xô về (anh Quang sau này là trưởng phòng máy tính của Nhà máy Super phốt phát Lâm Thao). Anh Quang xác nhận với tôi đấy là loại máy hiện đại nhất châu Á vào thời điểm đó, thậm chí các kỹ sư máy tính tốt nghiệp từ Liên Xô về ngày ấy phải mất một thời gian rất dài mày mò mới sử dụng được một số chức năng của máy, mãi về sau mới mời được các chuyên gia của hãng IBM đến hướng dẫn thêm cách sử dụng.

Các anh còn cho biết máy này được sử dụng khá hữu ích vào các công việc tính toán phức tạp cho công cuộc chấn hưng kinh tế của thành phố cho đến những năm 1985, đặc biệt góp phần cho việc tính toán xây cất thủy điện Trị An. Bây giờ thì nó đã thành phế liệu nhưng ngày ấy nó là một khối tài sản lớn cực kỳ giá trị.

Về nguyên Đại tá Chu Văn Hồ, tôi được biết ông vẫn tiếp tục được mời đến cộng tác thêm một thời gian. Sau đó, nghe nói ông định cư ở Hoa Kỳ và có lần đã về thăm Sài Gòn.

Tôi được biết một cách chắc chắn qua các thuộc cấp của ông là trước ngày 30-4, ông được lệnh đặt mìn để phá hủy trung tâm này nhưng ông bất tuân lệnh, không những thế ông còn lệnh cho cấp dưới phải bảo vệ máy, cho chạy máy lạnh liên tục, vận hành các loại máy phụ trợ ở chế độ bảo dưỡng để giữ cho máy trong chế độ tốt nhất. Còn bản thân ông đợi quân giải phóng đến để bàn giao và cộng tác rất tích cực với các chuyên gia của ta trong việc khai thác máy.

Thực sự tôi không biết gì về lai lịch và quá trình phục vụ quân ngũ của ông, lên đến cấp đại tá là không đơn giản nhưng tôi nghĩ phàm là người trí thức có lương tri, quan tâm đến vận mệnh của đất nước thì cho dù đứng trên chiến tuyến đối nghịch rồi cũng có lúc hồi tâm và hành xử một cách đúng mực.

Tôi mong có dịp được gặp lại ông để lại uống trà với nhau như trong ngày đầu giải phóng, biết đâu ông còn giữ làm kỷ niệm tờ giấy cho phép được tạm thời về nhà chờ lệnh do chính tay tôi ký vào buổi sáng 30-4 năm ấy.

TS NGUYỄN MINH HÒA

 

Theo Thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, một chỉ thị rất quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh được trung ương triển khai cho các lực lượng tiến công vào trung tâm Sài Gòn là “khi đánh vào các mục tiêu chỉ huy đầu não phải đảm bảo vô hiệu hóa nhanh các cứ điểm phòng ngự này nhưng không gây thiệt hại cho người dân, không tàn phá các cơ sở kinh tế, khoa học, hạ tầng giao thông, đô thị, điện nước...”. Điều này đã hạn chế tối đa những thương tổn cho Sài Gòn; tạo nền tảng để sau đó chính quyền cách mạng vận động mọi người đoàn kết, chung tay tái thiết TP sau cuộc chiến.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết
của
TS Nguyễn Minh Hòa, người lúc ấy có mặt trong
cánh quân trực tiếp chiếm giữ Bộ Tổng tham mưu của quân
đội Sài Gòn xoay quanh câu chuyện tiếp quản Trung tâm
Điện toán (IBM) của cơ quan này.

__________________________________________

Trong diễn văn tại lễ mít-tinh mừng chiến thắng ngày 7-5-1975, Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định, nhấn mạnh: “Anh chị em công nhân lao động, các bạn trí thức, các nhà tư sản, tất cả đồng bào thuộc mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo hãy nâng cao tinh thần đại đoàn kết, chân thành thực hiện hòa hợp dân tộc… Tất cả người Việt Nam yêu nước thương nòi hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực xây dựng lại quê hương đất nước, mau chóng băng bó lại vết thương do chiến tranh gây ra”.

Để tránh tối đa hiện tượng xâm chiếm nhà cửa, tài sản trái phép, cướp bóc trong những ngày đầu sau giải phóng, ngày 12-5-1975, Ủy ban Quân quản cũng đã ra thông báo về việc bảo vệ nhà cửa, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo đó, nghiêm cấm tất cả hành vi di chuyển, phá hoại và chiếm đoạt tài sản. Ngay cả các đơn vị thuộc chính quyền cách mạng nếu có nhu cầu sử dụng tài sản theo dạng trưng thu, trưng dụng cũng đều phải báo cáo Ủy ban Quân quản các cấp. Mặt khác, khi tiếp quản, gần như giữ tất cả bộ máy hành chính làm việc cho chế độ cũ cũng được giữ lại…

MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm