Thời gian qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được một số phản ánh của người dân về tình trạng chó thả rông gây tai nạn giao thông, cắn người và phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường ở một số địa bàn tại TP.HCM.
Tình trạng này người dân đã có phản ánh với chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Chó thả rông gây tai nạn, phóng uế bừa bãi…
Nói về tình trạng chó thả rông tại chung cư BC ở quận Tân Bình, anh Trần Nhật Minh, sống tại chung cư này, cho biết ở đây người dân nuôi chó rất nhiều. Ban ngày thì họ nhốt trong nhà nhưng cứ sau một đêm, ở hành lang lại đầy chất thải của chó, bốc mùi hôi thối.
“Chịu không nổi, tôi phải đi gõ cửa từng nhà có nuôi chó để nhắc nhở việc cho vật nuôi vệ sinh đúng chỗ, giữ gìn không gian sống sạch cho người dân xung quanh. Thậm chí ban quản lý chung cư cũng đã nhiều lần nhắc nhở vấn đề này nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn. Ngày nào tôi cũng phải dọn dẹp vì nó nằm ngay trước nhà mình, nếu không dọn sạch, mùi hôi sẽ bốc lên gây ảnh hưởng đến gia đình và các con tôi’ - anh Minh nói.
Người dân vô tư thả chó ra đường phóng uế, làm mất vệ sinh nơi công cộng. Ảnh: TÚ NGÂN |
Tương tự, khi nhắc đến việc chó thả rông, chị Nguyễn Ngọc Minh Châu (TP Thủ Đức) cũng chưa hết ám ảnh bởi một lần không may bị chó cắn.
“Trong một lần đón con đi học về, tôi bị một con chó từ lề đường lao ra cắn. Tôi đau và sợ quá nên la lên, người dân xung quanh nghe thấy cũng chạy ra giúp nhưng không ai biết con chó cắn tôi là của ai. Sau đó tôi phải đến bệnh viện để xử lý vết thương và tiêm ngừa bệnh dại. Tôi mong rằng những gia đình có nuôi chó nên chăm nom cẩn thận, không nên thả chạy rông ngoài đường rồi gây ra tai nạn cho người khác” - chị Châu chia sẻ.
Anh Trần Văn Nam (ở quận Bình Tân) cũng cho biết mẹ anh vừa bị tai nạn xe máy, té gãy tay sau khi va chạm với một chú chó bất ngờ lao qua đường. Sau tai nạn, anh có đến nơi xảy ra tai nạn và hỏi thăm nhưng cũng không biết chó nhà ai gây tai nạn cho mẹ mình.
Phổ biến các chính sách về quản lý chó,mèođến người dân
Từ năm 2018, thực hiện Thông tư 07 của Bộ NN&PTNT, việc bắt chó thả rông thuộc thẩm quyền của UBND phường, xã, thị trấn… Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đang tích cực hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật và xe bắt chó thả rông cho các đơn vị chuyên trách.
Bên cạnh đó, chi cục cũng phổ biến các chính sách về quản lý chó, mèo, hỗ trợ kinh phí tiêm phòng bệnh dại, tổ chức tập huấn cho người dân về việc phòng chống tác hại của bệnh dại nhằm nâng cao ý thức của người dân để giảm thiểu tình trạng chó thả rông.
Ông LÊ VIỆT BẢO, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM
“Tôi rất mong chính quyền nên có sự tuyên truyền, khuyến cáo quyết liệt hơn nữa để người nuôi chó biết luật và quản lý vật nuôi tốt hơn. Tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc như trường hợp mẹ tôi” - anh Nam nói.
Liên kết các phường để xử lý chó thả rông
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND phường An Lạc A, quận Bình Tân, cho biết phường có tiếp nhận một số phản ánh của người dân về tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi. Mỗi khi tiếp nhận được phản ánh, phường đều cử người đến khu vực phản ánh để kiểm tra, trích xuất camera, mời hộ dân vi phạm đến phường giải quyết.
Với các trường hợp vi phạm, phường sẽ tiến hành xử phạt bằng hình thức viết cam kết và xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên nhân của tình trạng này lớn nhất vẫn xuất phát từ ý thức của người dân. Nên trong các cuộc họp tổ dân phố, phường luôn tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo để người dân chú ý quản lý vật nuôi của mình tốt hơn.
Để xử lý tình trạng chó thả rông, các phường Thảo Điền, An Khánh, An Phú, Hiệp Bình Chánh và Phú Hữu ở TP Thủ Đức vừa tổ chức buổi ký kết chương trình phối hợp xử lý chó thả rông, chống bệnh dại động vật trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết trước đây trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng chó thả rông, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Phường đã nhiều lần xử lý nhưng vẫn chưa triệt để.
Sau buổi ký kết này, phường sẽ tiến hành thành lập tổ bắt chó thả rông, ban hành rõ ràng quy chế hoạt động, liên kết với các phường lân cận để cùng thực hiện. Đồng thời, công bố rộng rãi trong tổ, khu phố để người dân nắm được thông tin về quản lý vật nuôi. Dự kiến từ đầu tháng 11, đội bắt chó thả rông của phường sẽ đi vào hoạt động.