Người dân miền Trung đang khẩn trương chống bão số 8

Chiều 13-10, dọc bờ biển Nghệ An, Hà Tĩnh đang có mưa giông, do đó công tác phòng, chống bão của các địa phương và người dân đang gặp khó khăn.

Sóng lớn đang "uy hiếp" bờ kè chắn sóng cho khu nhà hàng, bè nổi mực nhảy Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). 

Tại khu vực biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), do ảnh hưởng bão số 8 nên đang có sóng lớn. Những con sóng quá mạnh đang “uy hiếp” đê chắn sóng khu vực nhà hàng, bè nổi mực nhảy Vũng Áng. Gần 20 nhà hàng, bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống mực nhảy ở khu vực này đang bị de dọa.

Chính quyền địa phương đang hỗ trợ người dân chằng chống lại khu vực kinh doanh và sẵn sàng di dời trước giờ bão đổ bộ vào đất liền.

Bộ đội biên phòng, công an và lực lượng dân quân đang giúp ngư dân, người dân ven biển Hà Tĩnh chằng chống nhà cửa, đưa thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Chiều 13-10, ở xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) mưa lớn kèm gió khiến người dân di chuyển trên đường gặp khó khăn.

Trong khi đó, huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) xác định ở các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Hàm... có tới 20 vùng có nguy cơ sạt lở đất với hơn 430 hộ, 1.500 nhân khẩu. Hiện lãnh đạo huyện Hương Sơn đang đi kiểm tra, chỉ đạo các xã chủ động sơ tán người dân khỏi vùng nguy cơ lở đất, sạt núi.

Ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh, cho biết đơn vị đã xả tràn năm hồ chứa nước gồm hồ Bộc Nguyên, hồ Kim Sơn, hồ Sông Rác, hồ Thượng Sông Trí, hồ Tàu Voi.

Việc xả tràn là để hạ thấp mực nước trong các hồ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du trước mưa lớn.

Người dân nuôi tôm hai bên bờ sông Lam (Nghệ An, Hà Tĩnh) đang chuẩn bị ứng phó với bão số 8, mưa lũ. 

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ra công điện chỉ đạo, trong đó yêu cầu các địa phương có tuyến đường quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đi qua kiểm tra, rà soát các vị trí nhà nghỉ, khách sạn, nhà cộng đồng, nhà của dân,… để tạo điều kiện cho người dân di chuyển từ các tỉnh, thành phía Nam về quê và về các địa phương khác đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có chỗ tránh trú khi có bão và mưa, lũ an toàn.

Đồng thời, các địa phương thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Chủ động bố trí lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các phương tiện y tế để hỗ trợ người dân trong thời gian đang có bão và mưa lũ, tuyệt đối không được để người dân trong quá trình di chuyển không có nơi tránh trú bão, lũ.

Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng nêu trên thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, các địa phương phải rà soát, chủ động phương án hỗ trợ cho các điểm chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện có bão và mưa, lũ lớn. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các điểm chốt chống dịch; nắm chắc số lượng người bị F0, F1 để chủ động các phương án đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh...

Tàu thuyền từ vùng biển Nghệ An vào bờ neo đậu, tránh bão số 8. 

+ Còn tại Nghệ An đã xảy ra mưa lớn, nhiều hồ chứa đã đầy nước, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt tại vùng thấp trũng.

Hiện nhiều con tàu lớn, nhỏ đã và đang vào neo đậu ở hạ nguồn sông Lam (thuộc địa phận Nghệ An và Hà Tĩnh) để tránh bão số 8. Người dân nuôi thủy sản hai bên bờ sông Lam đang thu hoạch hàng tấn cá, tôm và đưa cá đi tránh bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cũng đã ký công điện về việc tập trung ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sau bão chỉ đạo. Công điện yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm