Đến trưa 16-11, nhiều nơi ở TP Nha Trang, Khánh Hòa, vẫn ngập sâu trong nước, người dân vẫn chưa hết lo khi trời tiếp tục mưa lớn, hồ đập đang xả lũ.
Lũ về quá nhanh, người dân trở tay không kịp
20 giờ tối 15-11, chị Thảo, ở thôn Phú Trung, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, giật mình khi chủ trọ đập liên hồi. “Thảo ơi dậy đi, đưa con bà trông rồi kê đồ. Lũ về rồi”.
Vội tìm điện thoại để gọi cho chồng nhưng chợt nhớ hôm nay anh Toản làm ca đêm. Giao vội bé gái chưa đến 6 tháng tuổi cho bà chủ trọ, chị Thảo hô hoán hàng xóm qua phụ kê đồ đạc lên cao.
“Chỉ trong vòng 20 phút nước lũ đã tràn vào nhà, chỉ kịp kê cái tủ lạnh với đồ áo của con. Còn lại ướt hết rồi” - chị Thảo buồn bã.
Sáng nay, anh Hồ Văn Toản, chồng chị Thảo, bất chấp nguy hiểm lội nước về nhà để đón ba mẹ con ra khu vực an toàn.
“Tôi phải chờ đến gần 9 giờ mới lội vào được nhà để đưa hai đứa nhỏ ra nơi an toàn. Nước tràn vào nhà, đồ đạc hư hỏng hết. Cả đêm tôi không ngủ vì lo cho sự an toàn của ba mẹ con" - anh Toản bày tỏ.
Đứng giữa biển nước, chị Nguyễn Thị Oanh, ngụ xã Vĩnh Thạnh, thẩn thờ khi đồ đạc trong nhà hư hỏng hết vì không kịp di chuyển lên cao.
“Tối qua nước lên quá nhanh nên về nhà không kịp. Sáng nay về thấy đồ đạc chìm trong nước, hư hỏng hết".
Chị Nguyễn Thị Oanh
Theo chị Oanh, đọc báo đài biết lũ sẽ về nhưng không ngờ nước tràn về nhanh quá khiến chị và người nhà không kịp trở tay. “Đồ đạc trong nhà giờ phải sắm lại hết - chị Oanh nói.
Đang nhặt nhạnh những gì còn sót lại của vườn rau sau trận lũ, ông Hoàng, ngụ xã Vĩnh Phương, cho biết gia đình tính toán đầu tuần tới sẽ thu hoạch đưa ra chợ bán. Nhưng nay không kịp nữa.
“Chiều qua cả nhà đã dùng lưới vây quanh, đóng cọc để hạn chế nước lũ cuốn. Sáng ra thấy vườn rau chăm sóc gần hai tháng trời chìm trong biển nước. Lũ về nhanh, vườn rau giờ chỉ còn bèo tây với rác” - ông Hoàng bần thần.
Đêm 15-11, lũ về bất ngờ khiến hàng nghìn hộ dân ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Phương (TP Nha Trang) tất tả chạy lụt. Tiếng hô hoán, kêu hàng xóm phụ kê đồ vang lên khắp ngõ xóm.
Số liệu ghi nhận của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa, chỉ trong một tiếng đồng hồ (từ 21 giờ đến 22 giờ), mực nước trên sông Cái đoạn qua Nha Trang dâng cao 10 m.
“Số liệu quan trắc cho thấy lúc 17 giờ ngày 15-11, mực nước trên sông Cái chỉ xấp xỉ báo động 1 (9,29 m) nhưng đến 22 giờ mực nước đã lên đến 20,12 m. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ mà nước sông Cái vọt từ báo động 1 lên báo động 3. Nước về quá nhanh” - một lãnh đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa, phân tích.
Theo người dân, những năm gần đây Nha Trang thường xuyên ngập. Dù có kinh nghiệm "chạy lũ" nhưng đêm 15-11 họ vẫn trở tay không kịp vì nước tràn về quá nhanh.
Nguy cơ lũ chồng lũ
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, mực nước trên sông Cái Nha Trang lúc 11 giờ ngày 16-11, tại Trạm thủy văn Đồng Trăng là 6,75 m, dưới mức báo động 1 là 1,25 m, tại Trạm thủy văn Diên Phú là 4,63 m.
Dự báo 24 giờ tới, trên lưu vực sông Cái Nha Trang tiếp tục có mưa to đến mưa rất to, lượng mưa phổ biến 60-100 mm, có nơi trên 150 mm. Mưa lớn khiến lũ trên sông Cái Nha Trang lên trở lại và đạt đỉnh vào chiều tối và đêm 16-11.
Khi đạt đỉnh, lũ trên sông Cái sẽ gây ngập vùng hạ lưu 1,4-2,2 m tại các xã Diên Lạc, Diên Thạnh, Diên Hòa, Diên Bình, Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) và Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Phước Đồng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương (TP Nha Trang).
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa, đến 15 giờ ngày 16-11, chưa ghi nhận thiệt hại về người do mưa lũ gây ra, tuy nhiên hàng trăm ha hoa màu, nhiều công trình của người dân bị gãy đổ.
Trao đổi với PLO, ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời tiết hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, do vậy tỉnh đã chỉ đạo các địa phương không được lơ là, chủ quan. Đồng thời, triển khai ngay các phương án phòng chống lụt bão đã được phê duyệt.
“Tỉnh đặc biệt lưu ý các địa phương tăng cường lực lượng tại những vị trí xung yếu, cắt cử người túc trực 24/24 giờ, cảnh báo, hướng dẫn lưu thông, bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Khu vực nào có nguy cơ cao bắt buộc phải di tản dân, ai không chấp hành thì cưỡng chế. Tỉnh giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, ai không chấp hành, lơ là, làm không hết chức trách sẽ xử lý theo quy định” - ông Thiệu nói.