Người đàn ông 50 tuổi mang thân phận bị can 30 năm

(PLO)- Ông Dương liên tục khiếu nại việc mình phải mang thân phận bị can oan suốt 30 năm mà đến nay số phận pháp lý vẫn lửng lơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

30 năm trước, một vụ trộm dây điện xảy ra ở nơi ông Nguyễn Văn Dương sinh sống, ông Dương bị tạm giam, sau đó được thả về và đến nay ông vẫn mang thân phận bị can.

Ngày 23-7, ông Nguyễn Văn Dương (thôn Khang Ninh, xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) nhận được phiếu hướng dẫn của Thanh tra Công an tỉnh Hà Tĩnh. Cơ quan này hướng dẫn ông gửi đơn đến VKSND tỉnh Hà Tĩnh để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Một vụ mất trộm mấy chục mét dây điện từ 30 năm trước

Trao đổi với PV, ông Dương rơm rớm nước mắt: “30 năm nay, tôi đã gửi đơn thư đi nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết”.

VKS đang xác minh, làm việc
thận trọng

Trao đổi qua điện thoại với PV, lãnh đạo VKSND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Vụ việc này VKS cũng đang đi xác minh, làm việc thận trọng. Vụ này có ba bị can, hồ sơ vụ việc đang làm. Trong ba người liên quan thì một người đang ở miền Nam, một người khác ở địa phương (xã Bùi La Nhân) nhưng cán bộ VKS đến nhà không gặp được. Ông Dương đã cung cấp CCCD và ông muốn cán bộ VKS làm việc với luật sư nhưng chưa thấy luật sư về làm việc”.

Năm 1992, ông Dương tròn 19 tuổi, nơi ông sinh sống xảy ra vụ mất cắp khoảng 30-40 m dây điện thắp sáng. Thời điểm đó, đường dây điện sinh hoạt thuộc công trình an ninh quốc gia nên Công an huyện Đức Thọ đã nhanh chóng về hiện trường vào cuộc điều tra.

Ít ngày sau, ông Dương đang đi nhổ cỏ cho ruộng khoai bên bờ sông La thì bị Công an huyện Đức Thọ mời đến để phục vụ công tác điều tra. Ngoài ông Dương còn có hai người bạn cùng xã cũng lần lượt bị mời làm việc vì tình nghi cùng trộm dây điện.

Ông Dương nhớ lại: “Khi đó, công an làm việc riêng với từng người. Họ nói với tôi hai người bạn khai nhận tội rồi. Họ bảo tôi khai nhận đi rồi ký văn bản thả cho về. Tôi phải khai có cắt trộm dây điện và vứt xuống hồ nước dù thực sự tôi không trộm cắp gì hết. Công an xuống hồ, mò lấy tang vật theo lời khai của tôi nhưng không tìm được. Chúng tôi bị tạm giam ở công an huyện, rồi bị di lý chuyển vào trại tạm giam Cầu Đông (Hà Tĩnh) tạm giam tiếp. Công an tỉnh cũng tách làm việc với từng người. Sau bốn tháng tạm giam, tôi được thả về mà không được giao giấy tờ gì. Hai người bạn của tôi cũng được thả”.

Ông Nguyễn Văn Dương mong sớm được minh oan. Ảnh: ĐẮC LAM

Ông Nguyễn Văn Dương mong sớm được minh oan. Ảnh: ĐẮC LAM

30 năm mang thân phận bị can

Từ nhà tạm giam trở về, một người bạn của ông Dương phải tránh lời dị nghị của xóm làng bằng việc chuyển vào huyện Long Thành (Đồng Nai) sinh sống. Người bạn còn lại ở quê, cũng như ông Dương, đều không có cơ hội đến trường.

Từ đó thân phận bị can theo ông suốt hành trình trưởng thành, đến khi thành người đàn ông 50 tuổi mái đầu hoa râm thì ông vẫn còn phải đeo mang thân phận ấy. Theo ông Dương, suốt 30 năm qua, không một phiên tòa nào được mở ra để xét xử ông, cũng không có một quyết định tố tụng nào liên quan đến vụ án được gửi đến ông.

“Suốt 30 năm qua, đêm đêm tôi nằm suy nghĩ “vì sao tôi bị bắt tạm giam tới mấy tháng trời rồi được tha bổng mà không được giao một quyết định nào liên quan đến vụ án”. Đến đầu tháng 10-2021, tôi bất ngờ nhận được điện thoại mời đến công an xã để làm việc liên quan đến việc mất trộm dây điện 30 năm trước vì liên quan đến tàng thư cấp CCCD.

Tôi là con người lương thiện, luôn cố gắng làm ăn để đời sống đỡ vất vả. Tôi phải kêu cứu để được minh oan. Việc minh oan không chỉ vì danh dự của bản thân tôi, mà còn vì tương lai của con tôi, cháu tôi và gia đình tôi” - ông Dương nói.•

Ban Nội chính Tỉnh ủy yêu cầu giải quyết đơn

Trao đổi với PV, Công an huyện Đức Thọ từng cho biết: “Thời gian qua, công an huyện đã nhận được đơn của ông Dương. Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu VKSND huyện Đức Thọ và Công an huyện Đức Thọ xác minh nội dung đơn của ông Dương. Qua xác minh, ông Dương và hai người khác có bị triệu tập rồi chuyển lên Công an tỉnh Hà Tĩnh. Hồ sơ cũng lưu trữ tại công an tỉnh. Cán bộ công an làm trực tiếp thời điểm đó có hai người nhưng họ đã nghỉ hưu và nói quên rồi, không nhớ nội dung sự việc nữa. VKSND tỉnh Hà Tĩnh đang trực tiếp về xác minh nội dung này”.

Một cán bộ Công an huyện Đức Thọ cho biết thêm: “Hiện công an huyện đang làm sạch cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm. Ông Dương nằm trong diện căn cước can phạm thì phải làm rõ có tiền án, tiền sự hay không. Nếu có tiền án, tiền sự thì đưa vào, còn không có thì phải xóa cho ông Dương”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm