Người dân phải là trung tâm của các chính sách xã hội

(PLO)- Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương khẳng định trong việc thực hiện chính sách xã hội, phải lấy con người làm trung tâm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-9, Bộ LĐ-TB&XH, Hội đồng Lý luận trung ương cùng với Tổ chức lao động quốc tế đã phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TÙNG NGÔ

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TÙNG NGÔ

Tại hội thảo, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết sau 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương, cả nước đã đạt những kết quả tích cực về năm dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, thông tin.

Cụ thể, 98,4% xã có trạm y tế xã, trong đó 65% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỉ lệ trẻ 5 tuổi đi học mầm non đạt 99% (từ năm 2013); trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% (từ năm 2015), cấp THCS đạt trên 90% (từ 2014) và tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%.

Đồng thời, hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn và 325.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ 80% năm 2012 tăng lên 90% năm 2021. Hoàn thành 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được phủ sóng phát thanh và truyền hình.

Định hướng giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến 2045, ông Bùi Tôn Hiến cho biết trung ương đặt ra nhiệm vụ y tế tối thiểu với chính sách BHYT toàn dân, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời phát triển mạng lưới y tế cơ sở, mô hình bác sĩ gia đình, hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân…

Về giáo dục, tối thiểu sẽ phát triển hệ thống giáo dục toàn diện, bao trùm và bền vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, nhất là ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Trung ương cũng đặt ra mục tiêu đảm bảo nhà ở có chất lượng cho tất cả người dân, có chính sách hỗ trợ đảm bảo nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động…

Liên quan đến năm dịch vụ xã hội cơ bản, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của quốc hội, nhìn nhận hệ thống này chưa bao phủ toàn diện và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

“Đại dịch COVID-19 cho thấy hệ thống y tế lỗi ở chỗ này, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, nên không ứng phó kịp với rủi ro của dịch bệnh” – TS Lợi nói.

Ông cho rằng trong năm dịch vụ cơ bản, cần lưu ý đến vấn đề nhà ở, làm sao cơ bản giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là công nhân, người lao động ở khu chế xuất, khu công nghiệp.

Từ đó, ông đề nghị nhà nước phải thống nhất thực hiện chính sách xã hội theo hướng chia sẻ giữa nhà nước, xã hội và người dân; đồng thời theo nguyên tắc an sinh, an dân và an cư. Ông cho rằng hệ thống chính sách của nước ta hiện nay chưa thích ứng với những điều kiện đặc biệt như dịch bệnh.

Ngoài ra, phải đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ về thể chế; thiết kế lại hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội theo hướng hiệu quả, công khai, công bằng và minh bạch.

Ông cũng đề xuất chính sách xã hội phải bảo đảm chủ động, tích cực và xã hội hoá. “Ai cũng đi kêu gọi được, ai cũng hỗ trợ từ thiện nhân đạo được, dẫn đến tiền mấy chục nghìn tỉ đồng nhưng không biết có đến đúng với đối tượng không?” – TS Bùi Sỹ Lợi nói thêm.

Kết luận hội thảo, ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, khẳng định trong việc thực hiện chính sách xã hội, phải kiên trì, bền vững, kiên định việc lấy con người làm trung tâm trong tất cả chính sách.

Theo ông, chính sách xã hội không thể ngắt quãng mà phải có tính kế thừa, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hay; đảm bảo minh bạch, khoa học, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thể hiện sắc thái của mỗi địa phương và phải có tính dự báo.

Ông cho rằng dịch COVID-19 vừa qua chính là “phép thử lớn về chính sách xã hội”, qua đó thấy được tính bền vững của từng chính sách cụ thể. Từ đó, chính sách phải làm sao sát với thực tiễn và có cách tiếp cận mới.

Ông đề xuất chính sách xã hội cần hướng đến việc người dân được thụ hưởng, người dân có niềm tin với các chính sách của Đảng, nhà nước. “Trách nhiệm này không chỉ của riêng ai, trụ cột là nhà nước nhưng phải phát huy đầy đủ sự vào cuộc của các lực lượng khác nhau” – ông Linh nói.

TP.HCM: Nhiều mô hình chăm lo cho người nghèo

Tại hội thảo, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhìn nhận 10 năm qua, chính sách xã hội tại TP không chỉ đạt hiệu quả mà còn tiếp tục duy trì và giữ được tính bền vững.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Ảnh: TÙNG NGÔ

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Ảnh: TÙNG NGÔ

Cụ thể, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều mô hình đa dạng, phong phú đã nói lên nghĩa tình của các cấp, các ngành, địa phương tham gia chính sách xã hội.

Điều này được thể hiện qua các mô hình: quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mái ấm công đoàn, khu nhà trọ với giá điện nước đúng quy định, chương trình giảm nghèo với tiêu chí đa chiều, cuộc vận động “Vì người nghèo”…

Qua đó, đã huy động được nguồn lực to lớn để chăm lo cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn như hỗ trợ nhà ở, học bổng, phương tiện đi học, phương tiện làm ăn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chăm lo sức khỏe, tặng thẻ bảo hiểm y tế...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm