Bà Phạm Thị Nhung (72 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết, sáng nay bà đã đến hội trường Thống Nhất để tiễn bác Sáu Khải, tuy nhiên vẫn chưa thỏa nguyện nên bà vội thuê taxi chạy theo đoàn xe tang để về quê hương bác Khải. Đến nơi khi trời đã tròn trưa, đứng ngoài chắp tay cuối đầu chào bác, bà Nhung nói: "Con đến đây, xem như đã đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng, con đã toại nguyện rồi. Mong bác an nghỉ".
Nhiều băng rôn, hình ảnh tiễn bác Sáu được đưa lên.
Hòa vào dòng người lặng lẽ lên viếng bác Khải tại nhà mồ, ông Lê Minh Trí (ngụ quận 6) cùng vợ và con gái xúc động: "Ngày nghe tin bác mất thì tôi lấy xe máy chạy thẳng lên đây, thắp hương cho bác. Đến khi bác về hội trường Thống Nhất tôi cũng đến viếng nhưng không được nhìn thấy linh cữu bác. Sáng nay hay tin bác được an táng tại quê nhà thì vội xin phép cô giáo của con gái cho con nghỉ học để cả gia đình lên đây viếng bác lần cuối. May sao cô giáo đồng ý ngay".
Dòng người lặng lẽ di chuyển vào bên trong mộ cố Thủ tướng.
Còn bà Năm (ngụ quận Thủ Đức) đón xe lên đây từ 4g sáng vì sợ kẹt xe, đợi mãi đến trưa mới được vào viếng cố Thủ tướng. Trên tay, bà Năm vẫn giữ chặt nén nhang bà mang theo từ nhà. Bà quyết tâm: "Tôi phải vào thắp cho bác Sáu Khải một nén hương mới yên tâm về nhà".
Cụ Lê Bảy tay giữ chặt di ảnh cố Thủ tướng được mọi người dìu vào để thắp hương.
Bà Năm mang theo nén nhang từ nhà đến viếng bác Khải.
Cứ thế, dòng người lặng lẽ nối đuôi nhau vào thắp hương trước mộ cố Thủ tướng Phan Văn Khải và phu nhân, không ai nói với ai điều gì nhưng khuôn mặt không giấu được sự xúc động. Sau khi thắp hương xong, mọi người vòng quanh nhà mồ để nhìn bác lần cuối.
Nhiều người lặng lẽ chắp tay viếng bác trước nhà mồ. Ai cũng nói: Được thắp cho bác nén hương là mãn nguyện rồi".
Nhà mồ nơi cố Thủ tướng an nghỉ ngàn thu vẫn tỏa hương hoa lan dịu mát, loài hoa mà sinh thời bác Sáu Khải rất thích...