Hà Nội trong chương trình kể trên được dội về từ những mảng ký ức khác nhau. Nhưng trong đó có thể thấy những ký ức về thời bao cấp qua những phục dựng bối cảnh vẫn thu hút sự quan tâm nhiều nhất của người xem.
Những mảng tường ẩm mốc bong tróc, quán trà liêu xiêu giản đơn bàn ghế, nơi co cụm của đủ thành phần người nơi thị thành đông đúc, những quầy hàng, quán bia vỉa hè thời cao cấp… Tất cả đều khiến người xem tìm đến để nhớ nao lòng những thời khốn khó. Người sống ở thời ấy đi tìm lại ký ức những ngày xưa, người chưa từng qua thì cố đi để bổ khuyết vào trong tâm khảm mình về thủ đô đã có những thời như thế. Một thời tem phiếu, một thời xếp hàng.
Thế nhưng ký ức trong Ký ức Hà Nội dường như vẫn là những ký ức vụn vỡ, một kiểu ký ức hàng mã. Các tuyến phố được phục dựng, chiếc tàu điện leng keng một thời nhưng lại sặc sỡ chỉ như một kiểu bài trí tân thời có phong cách cổ xưa….
Trong một buổi họp báo mới đây nhất về chợ phiên sách cũ, đại diện ban tổ chức tự nhận mình là người đã sống qua những thời bao cấp nói rằng: Những người làm chương trình Ký ức Hà Nộikhông hiểu gì về ký ức. Ông miêu tả một cách tỉ mỉ về một quán bán trà ở Hà Nội thời đó như thế nào, người ta tinh túy bóc trần chiếc kẹo rồi bỏ vào hộp ra sao, người ta để một ít vôi dưới đáy để hút ẩm thế nào… Và rồi ông cũng cho hay trong chợ phiên sách cũ cũng sẽ có phục dựng một kiểu không gian của Hà Nội thời bao cấp.
Hà Nội thời bao cấp, dường như cụm từ ấy vẫn có sức gợi với bao thế hệ người Hà Nội. Bởi thế ở Hà Nội người ta rất dễ bắt gặp những kiểu hàng quán được bài trí theo một kiểu không gian bao cấp như thế. Những kỷ vật còn sót lại của thời ấy giờ được trung dụng để cố làm sống dậy không gian một thời. Hà Nội có một quán cà phê thu hút đông đảo giới trẻ, ở đó không có sự hào nhoáng sang trọng của đèn màu hay cửa kính, ở đó chỉ có màu cũ của không gian… nhưng vẫn nườm nượp khách đến. Ngoài cách bài trí, một điểm người ta dễ nhận ra ở đây là bối cảnh của quán giống như một căn nhà cấp bốn ở thủ đô ngày xưa cũ. Một bộ bàn ghế gỗ dài dành cho phòng khách, chiếc đệm được bọc chăn con công lót ghế… Cuối tuần, các gia đình hẹn nhau ra đây, ngồi vào bộ bàn ghế kiểu cũ ấy trò chuyện xôm tụ như đang trong không gian nhà mình.
Hôm dự Ký ức Hà Nội, tôi gặp một người già chậm bước giữa đám đông, ông chỉ tay vào những không gian tái hiện tỏ ra thờ ơ. Rồi ông bảo sao người ta không tái hiện văn hóa sống thời đó nhỉ - văn hóa xếp hàng, văn hóa nhường nhịn. Tôi chỉ tay về phía một người bán hàng đang thiểu não ngồi ngáp ở một không gian tạo dựng rồi nói với ông: "Nếu cụ quan sát kỹ chắc rồi cũng thấy. Hà Nội bây giờ không còn là thời của tem phiếu mậu dịch, người ta cũng chẳng cần cố công tạo dựng kiểu văn hóa đó làm gì, bởi nó vẫn còn rơi sót đâu đó trong những trạng thái thờ ơ của người làm dịch vụ".