Người hoàn lương trở thành tỷ phú

Mọi chuyện không thể ngờ…

“Năm 2000, tôi bị kêu án 10 năm tù giam, nặng lắm chứ. Thế nhưng, ở được bốn năm rưỡi thì được ân xá, do tôi cải tạo tốt” – Phan Hồng Phúc không giấu giếm. Nợ nần cứ bủa vây, thu nhập không có đồng vô, buộc anh phải bán đứt 3 công đất để xoay sở. “Nhưng, đây cũng là vận may. Khi thăm mấy người bạn ở Cà Mau, thấy mô hình nuôi cá bống tượng có nhiều triển vọng nên về nuôi thử…” – anh kể.

Nào ngờ, con cá bống tượng làm vợ chồng họ bao phen hoảng hồn, do cá chết hàng loạt mà không biết nguyên nhân. Rồi, anh Phúc kiên nhẫn đi chia sẻ kinh nghiệm, tìm tài liệu nghiên cứu để ứng dụng nên từ chỗ nuôi lỗ lã đến phá huề và có lời.

42-t3-2.jpg

Anh Phan Hồng Phúc kiểm tra giống cá chình.

Năm 2005, nghe nói Phan Hồng Phúc ở số 6 (ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận) nuôi cá bống tượng, ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Bạn hàng vùng lộ tẻ Cái Sắn nghe “tay anh chị” này hoàn lương, họ cũng muốn tìm đến xem thử. Sự “hiếu kỳ” mới kết thân, trở thành mối lái thu mua, giúp Phan Hồng Phúc biết thêm con cá chình.

“Hồi đó, tôi chuyên cung cấp giống, đâu biết nuôi cá thịt. Những đợt cá giống quá lứa, tôi để lại nuôi luôn. Ban đầu, thả bè trên sông Cái Sắn, hiện nay nuôi trên vuông ruộng” – anh cho biết. Khi con cá bống tượng bị “trục trặc” về giống, thị trường, kỹ thuật chăm sóc… anh bắt đầu chuyển sang nuôi cá chình. Vừa bán giống, vừa nuôi cá thịt, anh Phúc làm chuyện chưa từng có ở khu vực giáp ranh An Giang – Cần Thơ.

Mở rộng mô hình làm ăn

Ông Vũ Thanh Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn nhận xét: “Ương nuôi cá chình trong ao đất đã và đang đem lại lợi nhuận cao cho gia đình anh Phan Hồng Phúc. Ngoài việc cung cấp giống, anh Phúc còn thu mua cá chình thương phẩm của các hộ nuôi, khuyến khích đẩy mạnh nghề nuôi cá chình. Đây là hướng đi mới cho hội viên, nông dân Thoại Sơn, góp phần tăng thu nhập và vươn lên làm giàu”.

Hiện tại, gia đình Phan Hồng Phúc tổ chức nuôi cá chình giống và cá thương phẩm trên diện tích 4 công đất ruộng, vừa hợp tác (cung cấp con giống) với nông dân địa phương (1 héc-ta) và bên phía huyện Tân Hiệp (2 héc-ta). Bằng hình thức này, anh còn hợp tác với nông dân vùng đầu nguồn Tân Châu và An Phú thả nuôi 6 lồng, bè.

Anh Phan Hồng Phúc khoe, Hội Nông dân tỉnh tổ chức đoàn cán bộ, hội viên và nông dân các địa phương đến tham quan và trao đổi mô hình này. Các ngành, các cấp ở huyện Thoại Sơn còn hỗ trợ vốn vay 200 triệu đồng để anh phát triển quy mô.

“Được vốn hỗ trợ cho những người hoàn lương làm ăn, tôi hết sức cảm ơn. Song, gia đình từ chối không nhận, yêu cầu để dành cho những người khác, họ cần vốn hơn” – anh bộc bạch. Từ năm 2009 đến 2012, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 700 - 800 triệu đồng, bước sang năm 2013 nâng lên 1 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 sẽ hơn con số này.

Sau nhiều năm tổ chức chăn nuôi cá chình, anh Phan Hồng Phúc chủ động được nguồn giống nhờ nắm vững kỹ thuật ương cá hương, nuôi dưỡng thành con giống. Anh cung cấp khi nhu cầu người nuôi lồng, bè cần (khoảng tháng tư đến tháng tám âm lịch), còn đối với nuôi trong vuông ruộng lúc nào cũng có.

Cá chình nuôi sau một năm đạt trọng lượng 1kg – 1,5kg, giá bán khoảng 400.000đ/kg, nhu cầu thị trường TP. HCM “ăn hàng” rất mạnh. Trong khi đó, chi phí thức ăn, thuốc thú y thủy sản lại thấp nên cho lợi nhuận cao, có thể nói 1 đồng vốn = 1 đồng lời.

“Để có được nguồn thu nhập tốt, người nuôi cá chình cần quan tâm nguồn nước, điều kiện vùng nuôi, kỹ thuật chăm sóc. Do, giá con giống đắt nên xảy ra rủi ro sẽ đội chi phí, người nuôi không có lời” – Phan Hồng Phúc chia sẻ.

“Năm 2010, tôi đoạt giải khuyến khích trong Hội thi những người hoàn lương kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, mỗi năm tôi đều được mời đến kể chuyện tại Trại giam Định Thành. Mình hồi đó lỗi lầm, bây giờ lo làm ăn, có sao nói vậy, không giấu giếm” – anh Phan Hồng Phúc thiệt tình.
Theo TRỌNG ÂN (An Giang Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm