Người Hồng Kông thích cà phê, gạo, trái cây...Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-4, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao) đồng tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc).  

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu cho biết, phiên tư vấn sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt hiểu rõ hơn về những đặc thù của thị trường Hồng Kông, từ đó có những định hướng, biện pháp kinh doanh phù hợp, hiệu quả hơn với thị trường này.

Bà Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Phát triển kinh doanh VietKwong, nhà nhập khẩu nông sản Việt Nam sang Hồng Kông cho biết, những năm gần đây Hồng Kông chuộng tiêu dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, DN cần chú ý đến an toàn thực phẩm, vấn đề này rất gắt gao. Nếu sơ suất trong quá trình sản xuất, DN nếu không xử lí khéo léo dễ dẫn đến hàng hóa bị tẩy chay.

Theo bà Hà, công ty mỗi tháng xuất khẩu khoảng 10 container gạo. Con số này rất nhỏ nhưng cũng góp phần tăng thị phần gạo Việt Nam tại Hồng Kông. Qua các hội thảo của cơ quan chức năng Hồng Kông, gạo Việt Nam được đánh giá là ngon, sản lượng lớn… Hay mặt hàng cà phê của Việt Nam hương vị ngon hơn Malaysia nhưng chưa phong phú.

Người dân Hồng Kông chú trọng đến sản phẩm tốt cho sức khỏe. Do đó, bim bim khó bán sang hay trái cây sấy khô giòn tan thì không được ưa chuộng.

"Gần đây cà phê không đường lên ngôi tại thị trường Hồng Kông vì người dân quan tâm đến sức khỏe hơn. Tương tự, trái cây sấy khô DN cũng không nên cho thêm đường vì người tiêu dùng thích hương vị tự nhiên" - bà Hà lưu ý.

Bà Hà chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Hồng Kông: ẢNH: TÚ UYÊN

Cà phê gói 900gr bán khó trong khi loại 400gr tiêu thụ nhanh. Gạo 8kg-10kg/gói bán cũng rất khó, người dân chỉ chọn loại 5kg. Kể cả trái cây sấy khô, tại các siêu thị châu Âu… trọng lượng nhỏ nhất 500gr nhưng tại Hồng Kông không ai mua.

Hồng Kông là thiên đường mua sắm, họ mua liên tục không có văn hóa như các nước châu Âu, Mỹ… là đi chợ một lần/tuần. Do đó, DN nên chú ý đóng gói hàng hóa với trọng lượng nhỏ.

Bên cạnh việc đầu tư vào bao bì cho mắt bắt, DN cần chú ý đến ngôn ngữ ghi trên sản phẩm, đặc biệt là quảng bá bằng cách cho dùng thử sản phẩm.

Cụ thể, nếu DN Việt tìm được một nhà nhập khẩu Hồng Kông và họ đồng ý lấy hàng thì DN phải đầu tư thêm sản phẩm dùng thử. Nếu không, hàng hóa của DN sẽ bị hạn chế tiêu thụ.

“Chúng tôi đang nhập khẩu và trao đổi với DN sản xuất nếu muốn hàng đi nhanh, đi vào lòng khách hàng phải cho dùng thử. Ví dụ DN bán 100 thùng cà phê thì khuyến mãi nhà nhập khẩu 10 thùng, họ sẽ tặng để khách hàng dùng thử. Đây là khoản truyền thông, quảng bá sản phẩm của DN” - bà Hà chia sẻ.

Hồng Kông là thị trường rất khó tính, nếu sản phẩm của DN Việt được lòng  thị trường này giống như có thẻ xanh đi khắp thế giới. DN cần duy trì và cố gắng đứng vững thị trường này.  

Năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thứ 2 trong các đối tác ASEAN của Hồng Kông, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 13,62 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Hồng Kông là nhóm hàng chế biến, chế tạo, nông lâm, thủy sản, lương thực, thực phẩm…

Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông đạt 1,655 tỷ USD, giảm 7,9%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hồng Kông đạt 309,7 triệu USD, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm