Chưa lúc nào nỗi khao khát con của chị Nguyễn Thị Mộng Thu lại sôi sục như lúc này, bởi bản án phúc thẩm giao quyền nuôi con cho chị, bản án có hiệu lực từ ngày 25-11-2019 nhưng đến nay chồng chị là anh Q. (ngụ quận Bình Tân) vẫn chưa chịu giao con.
Mòn mỏi chờ ngày nhận con
“Mong lắm Chi cục Thi hành án quận Bình Tân giải quyết sớm và dứt điểm để tôi đưa con gái về quê ngoại ở Vĩnh Long vui tết” - chị Thu nghẹn ngào.
Bây giờ mỗi buổi chiều đi làm về, chị lại nấu những món ăn bé PT (SN 2012) thích, mang qua nhà chồng, bón cho con gái dưới sự giám sát của bố mẹ chồng. Ngoài khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, chị không được đưa con đi bất cứ đâu.
Hai mẹ con chị Thu. Ảnh: NVCC
Đến nay, Chi cục Thi hành án quận Bình Tân đã hai lần gửi giấy mời anh Q. đến làm việc để thực hiện quyết định thi hành án, giao con chung là bé PT cho chị Thu trực tiếp nuôi dưỡng. Nhưng đến nay anh Q. và gia đình chưa thực hiện theo quyết định này.
Theo quy trình, nếu sau lần thứ hai anh Q. không đến cơ quan thi hành án làm việc thì Chi cục Thi hành án sẽ lập biên bản và gửi về UBND phường Bình Tân.
"Giành" con ngay sau khi tòa tuyên án
Trước đó, tháng 11-2019, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TP.HCM xử phúc thẩm tranh chấp nuôi con giữa nguyên đơn là chị Thu, bị đơn là anh Q. TAND quận Bình Tân xử sơ thẩm tuyên giao con chung cho chị Thu nuôi.
Ngay sau khi tòa tuyên án, anh Q. cùng bố mẹ anh giật cháu bé đang trong vòng tay chị Thu mang về, không cho chị gặp con. Sau đó anh Q. kháng cáo, đòi quyền nuôi con.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Thu vừa khóc vừa kể: “Chúng tôi kết hôn năm 2011. Ngày yêu nhau tôi đã nhiều lần bị ông Q. đánh đập nhưng vì yêu lâu năm nên họ hàng đều biết. Nếu chia tay sẽ xấu hổ với xóm làng”.
Chấp nhận cuộc hôn nhân nhưng hạnh phúc chẳng đầy gang, những trận đòn diễn ra ngày càng nhiều theo thời gian.
“Thế rồi những trận đòn chị phải chịu ngày càng dày đặc. Thời gian đầu, tôi cố gắng nhịn nhục để con có đủ bố mẹ. Có những đêm hai mẹ con đang ngủ, anh Q. trở về nhà trong cơn tức giận, mang dao kề cổ đòi giết hai mẹ con. Tôi quá sợ hãi khi sống trong cuộc hôn nhân như thế này” - chị Thu nói.
Nói rồi chị Thu vừa đưa ra những bức hình chụp lại những vết thương trên cơ thể sau mỗi lần bị chồng hành hạ.
Tại tòa phản bác lại những lời chị Thu, anh Q. cho biết anh có nhà, anh lo cho con từng bữa ăn. Ngoài ra, anh ở cùng bố mẹ đẻ nên bé sẽ được ông bà chăm sóc chu toàn.
HĐXX nhận định, xét mức thu nhập hằng tháng, công việc và hoàn cảnh thực tế của mỗi bên thì anh Q. và chị Thu đều đủ điều kiện đảm bảo chăm sóc con tốt.
Tuy nhiên, tại thời điểm tòa xử phúc thẩm, bé PT đã đủ bảy tuổi và có nguyện vọng sống cùng mẹ, nên tòa phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của anh Q., y án sơ thẩm.
Khó thực hiện việc giao con Một chi cục trưởng Chi cục Thi hành án tại TP.HCM cho biết việc thi hành án dân sự được thực hiện theo Điều 120 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện theo quyết định thi hành án thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. “Luật là như vậy nhưng trên thực tế, nếu bên phải giao chống đối thì việc thi hành án sẽ rất khó khăn. Người phải thực hiện thi hành án sẽ liên tục đổi người trực tiếp nuôi bé nên đối tượng để cưỡng chế giao con khó xác định cụ thể” - vị này cho hay. Từ trước đến nay, những vụ thi hành án thành công chủ yếu do vận động, thuyết phục với sự tham gia của chính quyền, đoàn thể: phụ nữ, thanh niên... những người có ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư. |