Thông tư 22/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ chính thức có hiệu lực từ 1/6. Tuy nhiên, phần lớn trong hơn 3.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang trên địa bàn TP HCM đang lúng túng, thậm chí nhiều nơi còn chưa biết đến quy định mới này. "Tôi không biết Thông tư 22 là gì? ", chủ một tiệm vàng trên đường Tỉnh lộ 10, Bình Tân cho biết.
Vàng nữ trang sắp vào khuôn khổ. Ảnh: PV |
Sau khi được trao đổi sơ qua về nội dung, bà chủ này cho biết do không tiếp cận nội dung Thông tư nên đến giờ, đơn vị này chưa chuẩn bị gì, đặc biệt là việc kiểm soát tuổi vàng, bởi trước nay vẫn có thói quen "mua đâu bán đó". "Giờ mà áp dụng ngay, cơ quan chức năng đi kiểm tra thì tiệm tôi mười mươi là bị phạt", bà chia sẻ.
Trong khi đó, một doanh nghiệp chuyên sản xuất vàng nữ trang để cung cấp cho các tiệm bán lẻ, đóng trên địa bàn quận 5, TP HCM cho biết, ông có tiếp cận nội dung Thông tư 22 cách đây vài tháng thông qua cuộc hội thảo. Tuy nhiên, do số vàng cũ tồn kho không đạt chuẩn theo quy định khá lớn, sợ không kịp chuyển đổi. "Tôi mong cơ quan chức năng có thể dời thời gian áp dụng để chúng tôi kịp xử lý số hàng tồn này theo đúng quy định", ông bộc bạch.
Ngoài ra, theo doanh nghiệp này, lượng vàng nêu trên còn chưa tính tới số nữ trang đã phân phối cho các hiệu vàng nhỏ lẻ khác. Nay nếu các đơn vị ấy cùng lúc mang sản phẩm tồn đến đề nghị doanh nghiệp đóng hàm lượng chuẩn lên sản phẩm và đóng ký hiệu lại... sẽ tạo ra sự quá tải, chưa kể trong quá trình chỉnh sửa sẽ tạo ra sự hư hỏng sản phẩm sẽ khiến chi phí tăng cao.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hiệp hội vàng mỹ nghệ TP HCM thừa nhận, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gửi phản ảnh đến Hội muốn được dời thời gian thực hiện do có nhiều đơn vị chưa tiếp cận được nội dung Thông tư trong thời gian qua, hoặc có biết nhưng quá gấp không chuyển đổi kịp số hàng chưa đạt chuẩn. Giờ nếu áp dụng thì sẽ gây khó khăn cho họ.
"Mới đây, Hội đã gửi kiến nghị lên cơ quan chức năng xin gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 22. Tuy nhiên, công văn phản hồi sau đó vẫn giữ nguyên thời gian áp dụng là 1/6", ông Dưng nói.
Ông Dưng cũng chia sẻ thêm, các quy định nếu áp dụng thì doanh nghiệp buộc phải chấp hành, tuy nhiên điều này sẽ làm cho họ gặp khó khăn. Bởi lưu lượng hàng tồn còn rất nhiều nên không thể nấu lại được, vì làm vậy vừa tốn nhiều chi phí, lại hao hụt. "Họ phải tìm cách khắc phục bằng việc sửa lại hàm lượng thật trong sản phẩm đó, còn không thì sẽ thoả thuận với khách hàng mức giá phù hợp", ông nói.
Việc nhiều doanh nghiệp vàng chưa biết nội dung Thông tư, ông Dưng cho rằng, ông từng nêu ý kiến ngoài việc tổ chức hội thảo, cần thông tin rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng. Ngoài ra vị chủ tịch hiệp hội này cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp nữ trang nhỏ, thời gian gần đây phần thì nhu cầu yếu, phần phải nghe ngóng tình hình triển khai nên gần như ngưng trệ các hoạt động sản xuất cũng như mua bán. "Nếu áp dụng Thông tư 22 ngay lúc này thì họ sẽ thêm khó khăn", ông Dưng lo ngại.
Tai địa bàn Hà Nội, theo khảo sát của VnExpress.net, chiều 30/5, các chủ hàng vàng có vẻ bình thản hơn. Anh Chính, chủ một cửa hàng vàng trang sức trên phố Cầu Giấy cho biết về cơ bản các sản phẩm vàng nữ trang đang bày bán trong cửa hàng của anh đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, cách cân đo, ghi ký hiệu trên sản phẩm. "Riêng về sai số, tôi không dám nói là đạt chuẩn 100%, vì trước đây quy định về sai số khác với Thông tư 22 này", anh Chính nói.
Do đó, trước mắt anh cho rằng sau thời hạn 1/6, các cơ quan quản lý nên tập trung hướng dẫn, chỉ đạo. "Nếu bây giờ bắt doanh nghiệp mang toàn bộ sản phẩm này đi nấu lại thì sẽ gây thiệt hại lớn", anh Chính nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng trang sức lớn trước giờ thường "ấm ức" vì bản thân tuân thủ đúng quy định về chất lượng, hàm lượng... nên khó cạnh tranh với vàng thấp tuổi ngoài thị trường, giờ tỏ ra vui mừng khi Thông tư 22 có hiệu lực. Đại diện doanh nghiệp PNJ, Giám đốc kinh doanh Nguyễn Ngọc Trọng cho biết họ thậm chí còn mong Thông tư áp dụng sớm hơn. "Quy định này tốt cho khách hàng. Người dân sẽ mua được vàng đủ chất lượng, đúng như công bố. Thị trường sẽ loại được tình trạng vàng nhập nhèm về chất lượng, vàng kém tuổi", ông Trọng nói.
Mặc dù vậy, đại diện doanh nghiệp này thừa nhận họ cũng gặp một số khó khăn trong quá trình chuẩn bị để đón Thông tư 22. "Trước đây quy định về hàm lượng vàng không chặt chẽ như Thông tư 22. Để đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh lại vài yếu tố", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Tương tự, ông Vũ Minh Châu, chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng nữ trang nổi tiếng ở Hà Nội cho hay ông cũng mong đợi Thông tư 22 để loại bỏ những nhà kinh doanh kém chuyên nghiệp trên thị trường. Ông cho biết doanh nghiệp mình không phải nấu lại sản phẩm nào cho đạt chất lượng vì đã đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, hàm lượng và sai số như quy định mới. "Thị trường vàng nữ trang sẽ trở nên lành mạnh hơn sau Thông tư 22", ông Châu nhận định.
Thời gian gần đây, thị trường vàng nữ trang chung cảnh trầm lắng như thị trường vàng miếng. Doanh số bán ra sụt giảm mạnh từ đầu tháng 5. "Việc doanh số sụt giảm chỉ là tạm thời. Do yếu tố mùa vụ, vào đầu mùa hè nắng nóng hằng năm, doanh số đều giảm tương tự. Đến tháng 7, tháng 8, sức mua sẽ phục hồi", ông Vũ Minh Châu nhận định.
Thông tư 22 quy định, vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định.Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghiký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ. Thông tư này được kỳ vọng thiết lập lại trật tự trong thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ vốn bị thả nổi lâu nay, người tiêu dùng khó phân biệt chất lượng, hàm lượng sản phẩm và khi mua phải hàng kém chất lượng rất khó được bảo vệ quyền lợi. Là bước đi tiếp theo trong lộ trình quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, việc ban hành và thực thi thông tư này có thể thanh lọc các điểm kinh doanh không đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kiểm định và đo lường sản phẩm, cũng như không tuân thủ nghiêm túc quy định về công bố chất lượng, hàm lượng. |
Theo Lệ Chi-Thanh Bình (VNE)