Sau đó, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Mau ký văn bản yêu cầu chủ tịch UBND xã Tam Hiệp kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình xử lý vụ việc, giải quyết dứt điểm, đảm bảo không để xảy ra sai sót gây ảnh hưởng đến cuộc sống của công dân và tạo dư luận không tốt. Mà đúng là sự vụ trên tạo ra dư luận không tốt thật, vì không hiểu tại sao người nông dân tội nghiệp này chỉ xây cái nhà bé xíu để đựng thức ăn cho bầy vịt nhà mình mà chính quyền lại “hạ bút” nặng tay thế.
Bạn đọc chắc chưa quên “vụ án chòi vịt” xảy ra ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), làm cho dư luận choáng váng cách đây mấy tháng. Cũng như ông Dùng, ông Nguyễn Văn Bỉ chỉ xây dựng một cái chòi lá chứa vật tư nông nghiệp để phục vụ cho việc nuôi vịt của mình. Ấy vậy mà khi đó ông Bỉ đã bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở (theo Điều 270 BLHS). May mà vụ án này bị phanh phui trên công luận, các cơ quan chức năng cấp trên vào cuộc và chỉ ra những “lỗi chết người” của nó. Cuối cùng, Công an huyện Bình Chánh nhận sai, đình chỉ điều tra vụ án.
Sự thật là chúng ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với ông Bỉ nếu vụ án tiếp tục được thúc đẩy. Thôi thì nó đã kết thúc, mừng cho ông thoát khỏi vòng lao lý! Nhưng từ chuyện cái “chòi chứa thức ăn nuôi vịt” của ông Dùng bị xử phạt hành chính lần này, chúng ta không thể không liên hệ đến những ngày tháng khổ sở của ông Bỉ. May mà báo chí vào cuộc, chính quyền địa phương đã thấy ngờ ngợ về việc xử phạt của mình và đang rà soát lại.
Nhưng từ những sự vụ trên, tôi bỗng thấy xót xa hơn cho những người nông dân như ông Dùng, ông Bỉ khi chợt nghĩ đến rất nhiều công trình sai phạm của các đại gia bất động sản xảy ra trong thời gian gần đây gây bức xúc trong dư luận mà việc xử lý không tương xứng với các sai phạm ấy. Có công trình sai phép, lố cả ngàn mét vuông, thậm chí lố hàng mấy tầng (như các công trình của Tập đoàn Mường Thanh), ấy vậy mà chính quyền một số địa phương đều linh hoạt hóa giải cho qua, xem như chuyện đã rồi…
Sẽ khập khiễng khi đặt các sai phạm này lại với nhau nhưng nếu tôi không viết ra đây thì dư luận cũng sẽ đặt ra một câu hỏi rất lớn: Sao khi xử lý người nông dân, chỉ làm cái chòi chăn vịt thôi, mà các ông lại mạnh tay, nhanh nhảu đến thế, còn lúc xử lý các đại gia lắm tiền nhiều của thì các ông lại nhẹ nhàng, “lười biếng” như vậy?
Lý lẽ đưa ra chắc là nhiều lắm nhưng ai có thể trả lời một cách thật tường minh để công luận tin rằng “pháp bất vị thân”?
Mỗi người sinh ra làm sao biết mình sẽ làm nông dân hay đại gia lắm tiền nhiều của. Lịch sử phát triển loài người đã cho thấy sự phân biệt trong xuất thân, sang - nghèo chỉ xảy ra trong các xã hội kém phát triển. Còn dưới ánh sáng của “thần linh pháp quyền”, mọi công dân đều được bình đẳng và phải được đảm bảo sự bình đẳng ấy. Điều này phải được thực thi một cách tuyệt đối, nếu không luật pháp chỉ là thứ công cụ phụng sự cho các lợi ích cục bộ nào đó.
Mà một khi như thế, những mục tiêu tốt đẹp của pháp quyền mãi là một thứ xa vời cho những người nông dân tay lấm chân bùn.