Người say thơ lục bát

Mà cũng không chỉ dịp đó, trong suốt năm ông vẫn luôn là một “kỳ nhân” về tài thơ lục bát đầy sự cuốn hút.

Lần đầu tiên tôi gặp Văn Thùy, trông ông giống như lão dị nhân bí ẩn trong các bộ phim kiếm hiệp. Với mái tóc dài hoa tiêu xõa ngang lưng, khuôn mặt xương xương, tuy ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng dáng dấp của ông vẫn còn nhanh nhẹn và linh hoạt.

Gieo thơ khắp chốn

Văn Thùy (phải) tại sân thơ của ông trong “Ngày thơ Việt Nam”.

Vừa gặp mặt, chưa kịp bắt tay, ông đã chìa về phía tôi một tập thơ chép tay nhỏ và một danh thiếp, nói: “Có động vật quý hiếm đến thăm nhà đây! Không cần trà nước, rượu suông được rồi!”. Tôi bật cười bắt tay ông mời ngồi. Lúc này, tôi mới nhìn lại cái danh thiếp của ông, ở giữa có dòng chữ “Chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch…”.

Tôi tiếp tục nhìn qua tập thơ cũng dí dỏm không kém. Ông viết bằng chữ thư pháp rất đẹp ở bìa trước: “Văn Thùy - 100 đoản khúc lục bát”. Bìa sau ông ghi hai câu thơ: “Yêu thơ giá bốn mươi ngàn. Ghét thơ đổ đóm ăn tàn mà mua”. Nhìn kiểu trình bày tập thơ chép tay rất lạ lẫm và hài hước, tôi lật tập thơ ngấu nghiến đọc, bỗng giật mình khi bắt được những câu thơ “rất quái” và ngộ nghĩnh: “Từ ngày đốc chứng làm thơ. Khôn ngoan vốn mỏng, ngẩn ngơ thêm dày. Đam mê là tội trời đầy. Càng béo chữ nghĩa, càng gầy niêu cơm”. Vào trang sau là những câu thơ lạ lẫm, lúc ông đang ngao du thiên hạ thì “Mải mê thơ phú cánh diều. Bỏ trâu gặm cụt nắng chiều mồ côi”, lúc ông chán cảnh rày đây mai đó thì “Trở về ngồi gốc đa thôi. Nghe con trâu ợ ra lời rạ rơm”…

Hai tháng vào rong chơi tại Sài Gòn, giữa ông và tôi có rất nhiều kỷ niệm. Ông ngủ ở tầng trệt nhà tôi, hằng đêm cứ đến 3 giờ sáng là ông thức dậy cặm cụi viết. Tôi cũng không quên dành sẵn cho ông một xị đế để vừa nhấp vừa nháp cái chữ.

Tháng 8-2012, ông lại vào Sài Gòn. Đêm ấy, tại một quán vỉa hè, có Văn Công Hùng đến. Vừa gặp, Văn Công Hùng vội đưa máy ảnh ra chụp. Văn Thùy khoát tay đọc liền hai câu:“Bây giờ tôi chẳng giống tôi. Ngày đi săn nắng, đêm ngồi bẫy trăng”. Bọn chúng tôi cười xòa.

Văn Thùy (giữa) đứng trước những bức thư pháp của ông.

Đắm đuối với lục bát

Đó là lời tự nhận của ông: “Tôi xài đủ thứ thơ nhưng chỉ đắm đuối với lục bát mà thôi”.

Tôi đã nhanh chóng làm một cuộc phỏng vấn, bên chiếc bàn liêu xiêu nơi quán vỉa hè.

. Anh có mong lục bát trở thành “quốc thi”?

+ Cái này thuộc vấn đề vĩ mô. Đã có nhiều đơn vị, nhiều cá nhân ôm mộng hô hào tôn vinh lục bát là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Nhưng bất thành, vì phải có một tổ chức mang tính quốc gia đứng ra xúc tiến mới được. Tôi thiết nghĩ: Một người hát gọi là đơn ca, hai người hát là song ca, đông người hát là đồng ca, cả nước hát một bài mang tính thiêng liêng thì gọi là quốc ca. Đằng này lục bát có lèo tèo vài người cắm cúi làm, đại đa số làm thơ tự do và thơ Đường. Hơn nữa đến cả hội thơ trung ương có mấy người làm lục bát đâu, lục bát chỉ tiềm tàng trong nhân gian. Cơ quan to nhất nước là Bộ Văn hóa, là Hội Nhà văn Việt Nam không “phát” thì lấy đâu ra “động”?

. Anh đến với thơ từ khi nào?

+ Thuở còn thanh niên, tôi đã mê thơ. Thời ấy, cách đây hơn nửa thế kỷ, làm gì có nhiều thi sĩ để lại tác phẩm hay, ngoài mấy thi nhân tiền chiến. Những bài tâm đắc, tôi chép hết vào sổ tay bé tí xíu. Nhưng rồi cơn lốc của thời cuộc không cho phép thơ thẩn. Tôi bẵng đi để chìm vào cuộc chiến thế sự và miếng cơm manh áo mãi cho đến năm 2000.

. Động lực làm thơ của ông là gì?

+ Tôi làm thơ để trải lòng mình ra, để người ta hiểu thêm về mình trước các vấn đề của xã hội. Trong khi tâm sự, bất ngờ nghe lỏm được các tình huống của con người, tôi lập tức có đánh giá và cấu trúc thành bài thơ của mình. Đó là nói hộ người khác. Nới lòng ra, bè bạn hiểu được quan điểm của mình làm cho mình nhẹ người. Tôi chưa bao giờ sử dụng ngôn từ ác hiểm mà cẩn trọng, chữ nghĩa hướng về sự ngộ nghĩnh, hài hước, hóm hỉnh.

. Anh thường xuyên phôtô những tập thơ chép tay rồi tặng khắp nơi, tiền đâu mà anh hào phóng như thế?

+ Ôi dào, đáng bao nhiêu. Tập thơ dày nhất có hơn chục tờ giấy phôtô cỡ nửa A4, giá phôtô sáu đến bảy ngàn đồng, mình đem tặng bạn bè. Cứ năm người được tặng, có một người tặng lại cho mình năm chục ngàn là hòa rồi. “Tặng bao nhiêu tập không vét túi. Gặp mỗi tri âm đã đủ tiền”.

Đây! Một tập thơ chép tay của “dị nhân” Văn Thùy. 

. Anh có những kỷ niệm nào trong cuộc đời thăng trầm biến động ?

+ Tôi làm thơ đâu vì mục đích nổi đình nổi đám, lấy đâu ra thất bại! Tôi đã xác định từ buổi khai bút lâu lắm rồi, như thế này: “Làm thơ cầu lợi mưu danh. Tuổi tên thoáng mắt đã thành khói sương”.

. Anh cho nhận định về thơ lục bát trong thời gian tới?

+ Nay đã mấy chục năm hòa bình rồi. Chỉ còn loáng thoáng vài tác phẩm đề cập đến một thời đã qua. Người ta không mặn mà với các điều đau buồn cũ nữa. Bởi quá nhiều tác phẩm nói về mảng đề tài này rồi. Thơ cũng vậy. Trong bối cảnh êm ả của đồng quê với cây đa giếng nước sân đình, đàn cò trắng với cánh đồng xanh, lập lại cái không khí thanh bình êm ả của ngàn xưa, thì cái gì thuộc về làng quê trỗi dậy. Làng nghề, nghệ nhân, các điệu hát cứ được phục hồi, phong danh hiệu để tôn vinh cái nền tảng văn hóa và lục bát đang cựa mình.

Tôi chạnh buồn, vì thấy có nhiều làn điệu được suy tôn là văn hóa phi vật thể. Không ai đếm xỉa cái làn điệu ấy có bộ xương sống là lục bát. Không có ca dao, lục bát thì lấy đâu ra điệu chèo, điệu xẩm, điệu quan họ…


Người Việt, hồn Việt

Nhà thơ Văn Thùy quê ở thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, ông luôn thoắt ẩn thoắt hiện như chính thơ mình. Nghệ thuật thư pháp của ông với những nét bút tài hoa đạt tới mức khiến giới thơ văn phải thán phục.

Bao nhiêu năm miệt mài đi tặng thơ chép tay của “Hợp tác xã thơ Hồn Rơm” (do ông tự gọi), đến năm 2008 tập Điệu ru của mẹ của ông được NXB Quân đội nhân dân in trang trọng và năm 2011 xuất hiện tập Ru giữa hai mùa lá với sự tài trợ của Quỹ Hỗ trợ Văn chương và cuộc sống.

“Thơ Văn Thùy bao giờ cũng gắn chặt thế sự, gắn với những lẽ đời, lẽ người và đặc biệt những vần lục bát của ông là những vần thơ của người Việt, hồn Việt. Trong đời sống hôm nay, Văn Thùy âm thầm nhưng mạnh mẽ cất một tiếng nói dân dã nhưng trung thực, đáng trọng biết bao.

Nó góp phần cho ta tin và yêu hơn cuộc đời này”

PHÙNG VĂN KHAI

PHÙNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm