Trước hết xin giải nghĩa: “máy bay bà già” tức là những quý bà lớn tuổi, cặp kè với những nam thanh niên ít tuổi hơn hẳn, những nam thanh niên đó được gọi là những “phi công”. Quy trình thực hiện của các “phi công sinh viên” như thế nào, họ phát hiện và đưa “máy bay” vào đường băng ra sao?
Tranh biếm họa về mối tình giữa “chị” với “em”.
Vào bar tìm “máy bay”
Tại khu vực giáp ranh giữa quận 5 và quận 8, đây là nơi có nhiều nhà trọ cho sinh viên thuê. Qua giới thiệu, chúng tôi tiếp cận được một phòng trọ của ba chàng trai có đặc điểm chung là đều to cao và bảnh trai. Được biết cả ba đều học năm thứ 4 của trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Chúng tôi gặp một người hàng xóm là chị Nguyễn Phương M. và chị cho biết: “Cả ba cậu này là sinh viên nhưng ít khi thấy họ ở nhà, cũng chẳng thấy họ học hành bao giờ, chỉ về nhà tắm rửa, chải chuốt đầu tóc, ăn mặc chỉn chu, rồi lại đi. Nhiều hôm còn thấy xe hơi đưa đón tại đầu hẻm và họ cũng rất hiếm giao du với hàng xóm”.
Qua tìm hiểu, theo dõi, chúng tôi phát hiện các chàng trai này thường qua lại những quán bar dành cho người trung niên trở lên để tiếp cận làm quen và đưa các quý bà lên “đường băng”. Tại đây, chúng tôi được anh Trần Ngọc N. (nhân viên phục vụ) kể lại về cung cách mà các chàng “trai lơ” tiếp cận quý bà trong bar: họ vào quán và gọi vài thứ nước uống nhẹ tiền, ngồi đảo mắt quan sát và nếu xuất hiện những “máy bay” đơn côi thì họ tiến lại gần bắt chuyện làm quen. Cuộc chạm ngõ cấp tốc tới mức có những trường hợp họ cùng quý bà “bay” ngay trong đêm. Đương nhiên “phi công” được đền đáp bằng những khoản tiền - theo cách gọi ưa thích của các bà chị là “bo cho cưng yêu”.
Nhưng sinh viên thì đào đâu ra tiền mà đi vào bar “thám thính”? Anh N. cười nhếch mép nói: “Chủ yếu họ sử dụng chiêu “dùng mỡ nó rán nó”, ngoài ra có những chàng “phi công” thâm niên sẵn sàng chi viện và chia sẻ kinh nghiệm cho những sinh viên mới vào nghề”.
Chàng “phi công” trẻ lái… “máy bay bà già”.
“Máy bay” trên mạng
Thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, có rất nhiều sản phẩm hàng hóa được rao bán, trao đổi online trên mạng internet - trong đó gồm cả việc giao lưu, gặp gỡ và trao đổi các “máy bay”. Chúng tôi không thể nêu địa chỉ một số trang web phục vụ cho dịch vụ tình cảm ngoài luồng này nhưng quả thực không khó lắm đối với những ai ưa tò mò “search” trên Google.
Cách thức để “phi công” tiếp cận “máy bay” cũng rất dễ dàng: chỉ cần đăng ký thông tin cá nhân để mở một tài khoản trên một số diễn đàn, rồi đăng nhập vào là có thể trực tiếp trò chuyện, làm quen, chat chít với các “máy bay”. Qua đó các “phi công” có thể tìm được “máy bay” theo đúng tiêu chí. Ngược lại, các “máy bay” cũng chỉ cần một vài thao tác cơ bản trên những diễn đàn là sẽ có cả một rừng thông tin để lựa chọn về những “phi công”.
Sau những màn chuyện trò online và sau đó tâm sự offline giữa “phi công” và “bà già”, nếu thấy “hợp gu” thì sẽ đi ăn uống và vào nghỉ ngơi trong khách sạn. Sau cuộc vui vầy, có một số quý bà còn hào phóng trợ cấp khoản tiền sinh hoạt hằng tháng cho chàng “phi công”.
Những sinh viên “phi công” tự phá hỏng cuộc đời bằng các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, chểnh mảng việc học tập, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực và tệ nạn xã hội. Không chỉ tại TP.HCM mà ở một vài thành phố khác cũng xuất hiện “sinh viên lái máy bay bà già”. Ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Văn P. phát hiện người vợ là Nguyễn Thị Ngọc A. đã quan hệ bất chính với một sinh viên tên Nguyễn Văn K. kém gần 20 tuổi. Ông P. nổi cơn giận đã dùng dao đâm vợ và cậu “phi công” làm cho cả hai phải nhập viện cấp cứu (sự việc diễn ra vào ngày 30-10).
Chàng sinh viên trẻ nhanh chóng rơi vào vòng xoáy ái tình với người phụ nữ góa bụa (ảnh có tính minh họa)
Đánh mất tương lai
Thật đáng giật mình khi biết rằng phần lớn những “phi công sinh viên” xuất thân từ tỉnh lẻ. Lên chốn đô thị phồn hoa họ đã không còn giữ được mình, lao vào các cuộc ăn chơi cho bằng bạn bè. Số tiền chu cấp từ gia đình không thể đáp ứng nổi, để rồi chọn… giải pháp tình thế là “lái máy bay” để có đồng ra đồng vô. Nhưng đã trót phóng lao thì theo lao, hễ xài tiền cạn sạch thì lại tìm “máy bay” khác tài trợ.
Dĩ nhiên, với những việc làm “tăng ca” như thế, họ phải giấu nhẹm không cho gia đình biết. Bởi vì các bậc cha mẹ đặt nhiều hy vọng khi tiễn chân con trai mình lên thành phố với giấy báo thi đậu đại học, những mong sau này với tấm bằng tốt nghiệp cử nhân sẽ rạng mày rỡ mặt, có công ăn việc làm tử tế. Như trường hợp của Minh Đ., sinh ra và lớn lên ở vùng quê Tây Nguyên, xuống Sài Gòn học tại một trường đại học lớn. Nhập trường được vài tháng, Đ. đua đòi ăn chơi rồi nợ nần tiền bạc và nợ cả một đống môn học ở trường, để rồi… học đến năm thứ sáu mà vẫn chưa lấy được bằng! Hiện giờ Đ. làm “phi công” cho một quý bà gần bằng tuổi mẹ để lấy tiền sinh hoạt và lo thi cho xong mấy môn còn lại để ra trường kịp trong năm nay. Trong khi đó, gia đình ở vùng cao hoàn toàn không hay biết, cứ ngỡ Minh Đ. đã ra trường, kiếm được việc tại thành phố và đi làm trong hai năm qua.
Tang vật trong một vụ án tống tiền ở Vĩnh Long giữa “phi công” với “máy bay bà già”.
Nguyên nhân của hiện tượng “lái máy bay bà già” có thể được giải thích bằng nhiều lý do. Lỗi nơi một số ít “quý bà” vung tiền chiêu dụ trai trẻ để thỏa mãn dục vọng? Lỗi nơi gia đình thiếu đi sự giáo dục đạo đức nền tảng? Lỗi nơi nhân cách khập khiễng của sinh viên? Tất cả đều góp phần vào, với mức độ ít nhiều khác nhau, trong việc phát sinh hiện tượng cặp kè so lệch này.
Bất luận lý do nào thì hậu quả cũng sẽ rơi vào chính những “sinh viên phi công”: tuổi thanh xuân bị hoài phí, tương lai bị đánh mất và không khéo trở nên những phận đời bọt bèo, vô ích.
LÝ BÁ TOÁN