24 giờ trong đời một phạm nhân

 Không riêng gì Tuấn, hầu như chiếc đồng hồ sinh học của 19 con người ở phòng K5 tạm giam đều hoạt động chính xác đến từng phút, thậm chí từng giây.

1… Giờ tập thể dục của toàn bộ phạm nhân đang ở trại tạm giam có thể xem là một loại hoạt động đa dạng nhất. Ở góc phòng, vài ông tóc bạc múa Thái cực quyền theo kiểu ú ớ hoặc làm ít động tác gọi là “Dịch cân kinh”. Giữa phòng là những chàng trai có vẻ khỏe mạnh chạy huỳnh huỵchh với đủ kiểu vận động. Và trong một góc gần nhà vệ sinh là nhóm giang hồ gốc chẳng buồn tập thể dục, dù đó là quy định. Họ ngồi ngáp vắn ngáp dài nhìn những người tập thể dục bằng cặp mắt của một kẻ mộng du.

Ngồi sau song sắt, ngẫm nghĩ về lỗi lầm đã phạm. 

“Báo cáo anh buồng trưởng, tôi bị  trộm!” - một chủ vựa gạo kêu lên thảng thốt. Thế là buổi tập được ngừng lại để nhóm đại diện phạm nhân được cán bộ trại cắt cử, tiến hành “điều tra truy xét”. Tang vật còn lại gồm một ít mì gói rơi vãi trên sàn nước và bao bì của quà bánh được kẻ gian vùi vào tận đáy thùng rác để phi tang. Trong phòng giam chưa đầy 30m2, kẻ gian không thể lẩn tránh đi đâu và “tai mắt” cũng không ít nên chỉ sau mươi phút,vụ án đã được khám phá với những năm thủ phạm. Thay cho giờ đọc báo Nhân Dân và báo địa phương hằng ngày, toàn thể phạm nhân trong phòng được triệu tập để họp. Một biên bản được xác lập với đề nghị của đa số: “Kỷ luật thật nặng những kẻ đi chợ đêm”. Ngay cả trong một biên bản nghiêm túc để chuyển đến Ban quản giáo, từ lóng chỉ việc trộm của phạm nhân với nhau là “đi chợ đêm” vẫn được dùng một cách đầy ấn tượng.

 “Các tổ lãnh nước sôi!” - anh chàng trực sinh ngày hôm ấy dõng dạc kêu. Bên cạnh việc chà rửa nhà vệ sinh, đổ rác cho phòng theo hình thức luân phiên, trực sinh cũng có những giây phút trở nên quan trọng - đó là giờ chia cơm, phát nước. Mỗi người tự “chế tạo” lấy cho mình một món điểm tâm và đều có vẻ tự đắc khi dùng những món… hổng giống ai. Tất nhiên, có những anh chàng con bà phước (từ lóng chỉ những người không có gia đình thăm nuôi) sẽ phải dùng bữa sáng với “bánh ngáp” và “phở ngóng”. Nhưng thỉnh thoảng việc giúp đỡ lẫn nhau không phải là không có nên cũng sống được. Việc giúp đỡ ấy khổ nỗi lại bị nghiêm cấm nên phải được giữ kín. Nguyên nhân của sự cấm đoán ấy, cũng là do bọn đại bàng đầu gấu dùng cái gọi là “giúp đỡ lẫn nhau” để bóc lột những phạm nhân yếu thế hiền lành.

Sau giờ dùng bữa sáng tự túc, tất cả phạm nhân đều phải ngồi nghiêm túc, cách vách tường 20 cm để tránh ngủ gật và sau đó học nội quy. Thỉnh thoảng cánh cửa sắt của phòng giam lại mở ra để anh chàng trật tự viên gọi tên những ai phải đi ra ngoài  làm việc theo yêu cầu của cảnh sát điều tra. Tất cả phạm nhân khi ra ngoài đều phải mặc một bộ quần áo sọc, được gọi đùa là “đồng phục Juventus”.

2 Ngày hôm nay, mọi sinh hoạt thường nhật được tạm hoãn. Chỉ vì hôm nay là ngày thăm nuôi! Tuấn soạn giỏ và bình lọ từ chiều tối hôm qua. Mãi đến gần trưa, tên của Tuấn mới được xướng lên ở ô cửa tò vò dù Tuấn biết chắc rằng vợ của mình đã đến từ rất sớm.

Ngăn cách với người thân bằng một dãy bệ xi măng và tấm lưới, việc sờ nắm được tay nhau hoặc bồng bế con cái xem như không thể. Cuộc gặp của Tuấn với vợ con diễn ra ngắn ngủi trong tiếng ồn ào như chợ Bình Tây và tiếng quát tháo của những phạm nhân thành án được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Thỉnh thoảng những trường hợp đặc biệt cũng được trại cho gặp thêm một suất nhưng làm sao đủ với lòng mong nhớ giữa con người và con người? Tuấn cùng đoàn người quay lưng đi vào, không dám quay lại nhìn, vì sợ rằng mình sẽ khóc òa lên như một đứa trẻ con khi gặp ánh mắt đau đáu dõi theo của người thân.

Tất cả quà cáp được kiểm tra chặt chẽ đến mức không thể lọt vào kể cả một mẩu giấy vấn thuốc hoặc một chiếc đinh ghim. Tiếp đến là bữa ăn trưa với một món thịt hoặc cá biển kho cùng một ít canh “đại dương” (gọi thế vì toàn là nước với nước). Vào ngày thăm nuôi, những món ăn của trại cấp đều chẳng ai đụng đến dẫu đó là một đại gia hay là một anh chàng bụi đời “con bà phước”.

Chiều đến, những gương mặt chờ đợi chuyển dần sang thất vọng và đau buồn khi tiếng kẻng nghỉ việc vang lên. Thế là hết một ngày “giỗ tổ” - theo cách gọi của phạm nhân chỉ ngày thăm nuôi.

3 Sau bữa ăn chiều, tất cả đều xếp hàng chờ đến lượt đi tắm. Kể cả những nơi được xem là tuyệt vời nhất thì mức nước cấp phát dành cho việc tắm táp cũng không quá 8 lít. Ở những nơi gọi là hơi bị tệ, có khi chỉ được 3 lít. Ấy thế mà vẫn tắm - mà là tắm có kỳ cọ, giặt khăn hẳn hoi! Buổi tối có phần thoải mái hơn. Phạm nhân túm tụm theo từng nhóm để nói chuyện rù rì. Những câu chuyện bàn tán tập trung chỉ có ba thứ: mức án của mình sắp phải nhận, chuyện quá khứ huy hoàng và tất nhiên, bàn về phụ nữ!

Ở những phòng có vị trí thuận lợi, hoặc là đối diện hoặc là sát vách với phòng giam nữ phạm, luôn luôn có nhiều chuyện để nói hơn. Những cuộc tình “mì tôm, đường tán” xảy ra không ít. Thư tình được viết bằng giấy bao mì và thuốc ghẻ chuyển qua lại bằng đủ kiểu, nhất là con đường phơi phóng quần áo. Những vụ bị phát giác đều dẫn đến một hình thức kỷ luật nhưng… “thương nhau mấy núi cũng trèo”, huống hồ hình phạt. Những anh chàng Từ Hải không thiếu gì cách lấy lòng người đẹp. Yêu cầu của nàng, sau khi đã đưa ra được vài cử chỉ tỏ lộ tình yêu, lập tức được chàng đáp ứng. Vẫy bàn tay theo cách cá lội? Trưa nay sẽ gửi cho nàng cá chiên! Búng tay như tôm nhảy? Sẽ có tôm rim! Đập hai bàn tay vào hông? Sẽ là gà rôti hoặc luộc!

Đập dẹp một chiếc đinh ghim và kiên trì  mài mỏng sẽ có ngay một kim khâu và dùng chỉ rút từ khăn rằn ra, nàng may cho chàng một chiếc áo gối bằng vải của bộ quần áo ngủ. Thêu hai trái tim hoặc cặp bồ câu thô như ngỗng Bắc Kinh gửi cho chàng, thế là chàng tha hồ hao tốn không ít quà bánh - những quà bánh mà vợ con chàng đã nhịn ăn nhịn mặc gửi cho chàng ta.

Chiều chiều, để được chạy đến bên cửa tò vò nhìn sang “bên nớ” và “bên nớ” nhìn sang “bên tê” nháy nhó với nhau, cả nàng lẫn chàng đều phải tiêu tốn cho trưởng phòng và trật tự khu. Tất nhiên khoản tình phí ấy đều do hoặc chàng hoặc nàng, ai yêu nhiều hơn người đó đảm nhận. Để thông tin cho nhau, các phạm nhân sử dụng hai cách, hoặc đánh chữ bằng quạt hoặc bằng ngón tay. Tuy nhiên, ở một số trại tạm giam, không phạm nhân nào dám sử dụng phương cách này. Không phải họ sợ bị kỷ luật hoặc khó thực hiện mà là vì cán bộ ở đó đọc loại mật hiệu này còn nhanh và chuẩn xác hơn tù.

4 Để tiễn một phạm nhân ra tòa vào ngày mai, thường thì một party được tổ chức với hầu bao của chính đương sự. Cũng có ca nhạc hẳn hoi và thậm chí có cả nhảy đầm một cách xôm tụ, tùy theo “đẳng cấp” của kẻ tổ chức. Ban nhạc thường chỉ có một người và nhạc khí là một chiếc xô nhựa để úp lót phía trên một tấm chăn cho “ấm tiếng”. Giang hồ gọi kiểu này là “gõ bo”. Phải thành thực mà nói, một tay gõ bo siêu hạng như Hậu “bô” chẳng hạn, sẽ làm cho cử tọa phải  thực sự kinh ngạc. Loại âm nhạc được sử dụng có thể gọi là “một nền văn hóa boléro” và là một kho tàng “sáng tạo ngôn ngữ”. Bất kỳ một bài nhạc nào, dù nghiêm túc hay lãng mạn trữ tình, đều được xử lý để ra một thứ nhạc hết sức đậm đặc mùi tù tội.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn, nhất là khi tiếng kiểng ngủ vang lên vào lúc 21 giờ 30. Chỉ 15 phút sau, tất cả đều yên ắng. Tuy nhiên, chen lẫn trong tiếng ngáy râm ram có khá nhiều tiếng thở dài. Thậm chí nếu thính tai, có thể nhận ra cả tiếng sụt sùi của ai đó đang nhớ vợ thương con… Hay, xót xa cho chính mình? “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, bởi vậy ở đời quý nhất là sự tự do. Biết vậy để ráng dặn mình sau này đừng làm việc gì nông nổi nữa mà rơi vào vòng tù tội.

(ghi theo lời kể của một phạm nhân)

NGUYỄN MINH CHÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm