Nghi án nơi ngôi cổ mộ ở Cam Ranh

Địa điểm du lịch tâm linh

Một góc ngôi mộ cổ. 

Theo Địa chí Cam Ranh thì mộ Ông Tướng là ngôi mộ ẩn mình dưới bóng cổ thụ bồ đề, quanh năm xanh tốt, nằm bên vệ đường quốc lộ 1A. Thân thế và lai lịch của nhân vật nằm dưới mộ vẫn còn đang nghiên cứu. Chỉ biết rằng “Không biết tự bao giờ mộ Ông Tướng được nhân dân thờ cúng và trở thành nơi linh thiêng của người dân trong và ngoài tỉnh. Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách”.

Ông Nguyễn Kỳ, thành viên Ban Phụng tự mộ Ông Tướng, kể lại: “Trước đây ngôi mộ nằm ẩn giữa rừng già um tùm, sau này dân khai hoang phát rẫy làm nhà ở nên ngôi mộ mới lộ hẳn. Vào năm 1967-1968, chính quyền sở tại cho mở rộng đường. Khi chiếc xe ủi tiến tới ngôi mộ chĩa càng về phía trước định san bằng thì không hiểu sao xích xe bị đứt. Chính quyền vội vàng ra lệnh dẹp máy ủi và cho lính xây tường bao quanh lại”.

Sau đó mộ Ông Tướng đứng trước mối nguy khác, đó là ánh mắt cú vọ của những kẻ tìm vàng. Theo lời một số bậc cao niên kể lại, từ những năm 1970-1975, do biến loạn chiến cuộc nên bà con quanh vùng ít đảo qua vùng này, do vậy cổ mộ bị hoang phế với cây cỏ phủ quanh. Kẻ xấu nhân cơ hội ấy tiến hành đào bới cổ mộ tìm vàng.

Gần ngôi cổ mộ có bức tượng mã phục, đầu hướng vào mộ. Cho rằng ẩn trong con ngựa ấy có của cải, vàng bạc nên bọn xấu đập phá con ngựa. Chẳng biết chúng có tìm thấy vàng bạc gì không nhưng sau đó chúng rắp tâm khai quật cổ mộ. Bà con dân làng biết được đã cắt cử, thay phiên nhau canh chừng mộ Ông ròng rã trong nhiều năm trời...

Giải mã lịch sử?

Danh tính người nằm dưới mộ vẫn còn là một nghi vấn. Nhiều người dân địa phương truyền miệng nhau rằng “Ông” là một danh tướng triều Nguyễn. Theo lệnh triệu tập của triều đình, danh tướng ấy rời miền Nam tiến về kinh thành Huế nhưng khi đi tới vùng đất này thì bị đột tử vì sơn lam chướng khí.

Lại có người cho rằng người nằm dưới mộ là một vị võ tướng triều Tây Sơn bị quân Gia Long truy kích và chém chết trên lưng ngựa. Mang thi hài vị chủ tướng đi qua đất Trà Long, con chiến mã kiệt sức gục chết. Sau khi an táng vị võ tướng và chiến mã, cảm phục sự trung thành của con vật mà dân làng đắp tượng thờ.

Ông Nguyễn Ngọ, Trưởng ban Phụng tự mộ Ông Tướng, kể chuyện: “Tôi chụp ảnh những chữ xưa trên bia đá cổ mộ, đem gửi nhiều nhà nghiên cứu nhưng chẳng ai phản hồi… Sau đó tôi làm đơn gửi Phòng Văn hóa thông tin tỉnh đề nghị khảo cứu và công nhận di tích cho cổ mộ. Cán bộ có xuống khảo sát, chụp ảnh nhưng đã hơn ba năm qua chưa thấy có kết luận”.

Một ngày kia, ông Ngọ đến đình Trà Long nằm ở tỉnh lộ 9 (TP Cam Ranh), thấy có tấm bia đá mờ chữ, ông hỏi người trông coi đình và được cho biết là vào thời xa xưa, có một nho sĩ đến xem và bảo bia đá nói về một danh tướng bị trảm tên là Tống Văn Khôi, người Thanh Hóa.

Nghi vấn về sự liên quan giữa tấm bia đá nơi ngôi đình và ngôi cổ mộ được đặt ra. Thời nhà Nguyễn có vị tướng là Lê Văn Khôi, thuộc tướng và cũng là con nuôi của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, đồng thời là người dấy binh chống lại nhà Nguyễn tại thành Phiên An (Gia Định cũ). Liệu có sự nhầm họ giữa hai vị tướng? Họ Tống, họ Lê, thực ra là một?

Nghi án về lai lịch và hành trạng dẫn đến sự tử vong của một nhân vật lịch sử - rốt cuộc - vẫn treo lửng lơ, chưa được giải mã “cho có ngọn có ngành”. Mộ Ông Tướng, nếu được giới nghiên cứu quan tâm đúng mức, ắt hẳn sẽ góp thêm một lý giải nào đó trong lịch sử vùng Cam Ranh.

GIÁP NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm