Tài hoa trong nghề làm lồng chim

“Nhiều người bảo tôi có tài bẩm sinh nhưng tôi nghĩ do mình cần mẫn, chịu khó học hỏi các thầy thôi..” - anh Căn nói.

Anh Đoàn Minh Căn bên chiếc lồng chim chạm khắc phong cảnh Huế.

Trong cái khó, ló cái khôn

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Căn bắt đầu theo học nghề điêu khắc tại xưởng sản xuất của nghệ nhân Lê Đăng Duân (TP Huế): “Ban đầu khi đến học nghề, thầy đưa cho khúc gỗ nào thì tôi… làm hỏng khúc đó, đến mức tôi cảm thấy chán nản và nghĩ rằng có lẽ mình không hợp với nghề. Nhưng nhìn các bức tượng mà thầy vừa hoàn thành, trong tôi lại dấy lên niềm mơ ước ngày nào đó mình sẽ làm được như thầy. Tôi miệt mài hết ngày này qua ngày khác để học cho bằng được. Từ đó nghề điêu khắc bắt đầu “ăn” vào máu tôi…” - anh Căn kể lại.

Có nghề trong tay, anh bắt đầu lập gia đình và mở một xưởng nhỏ ở nhà để điêu khắc bàn ghế nhưng những sản phẩm làm ra vẫn chưa lọt vào tầm ngắm của khách hàng. Anh quyết nâng cao tay nghề bằng cách đến xưởng của nghệ nhân Phan Thế Huề, người cùng làng, là một thợ cả nổi tiếng từng chạm khắc các công trình trong chốn hoàng cung triều Nguyễn. “Thời gian ở đây tôi học được rất nhiều kinh nghiệm chế tác, điêu khắc thuần Việt. Đến năm 1990, về lại xưởng nhà, tôi vừa điêu khắc vừa nhận thợ để đào tạo. Trong thời gian này có đến hàng chục thợ mộc dân dụng, chế tác nhà rường và điêu khắc lành nghề khởi đi từ sự hướng dẫn của tôi”.

Khi nhà nước ban hành chính sách đóng cửa rừng, nguồn gỗ trở nên khan hiếm, anh Căn lâm vào bế tắc, anh buồn bã định dẹp nghề để đi làm phụ xây… “Một lần kia, tôi đến nhà người quen thì thấy một gốc tre được chạm trổ hình ông Bụt, tôi giật mình nghĩ: không có gỗ thì tại sao mình không lấy tre để chạm khắc? Nhưng việc thử nghiệm với tre không hề đơn giản, vì tre rất dễ nứt. Tôi phát hiện chạm trổ tre phải theo sớ của nó, dụng cụ chạm cũng phải nhỏ, nếu không thì sẽ bị hỏng…” - anh Căn chia sẻ. Toàn bộ dụng cụ được anh Căn tự nghiên cứu, sáng chế.

Sau vài năm chạm khắc hình các con thú trên thân tre rất đẹp, anh Căn bắt đầu nhận được đơn đặt hàng thử làm lồng chim. Những chiếc lồng chim chạm khảm tuyệt đẹp của anh Căn tạo được sự chú ý của dân chơi chim điệu nghệ. Biệt danh Căn “lồng chim” ra đời từ đó, trở thành một “thương hiệu”.

Để chạm trổ được những bức tranh trên lồng chim, người thợ phải cần mẫn và mềm dẻo.

Tuyệt kỹ trong chế tác lồng chim

“Đẹp! Rất đáng đồng tiền bát gạo...!” - anh Nguyễn Văn Hùng, một tay chơi chim, thốt lên khi được chứng kiến chiếc lồng chim chạm hình ảnh phong cảnh Huế của anh Căn. Trên móc lồng chim là hình đầu rồng đang uốn cong mình phun lửa, quanh lồng là hình ảnh cầu Trường Tiền, lăng Khải Định, xen giữa là hình ảnh cô gái Huế với chiếc áo dài thướt tha bên dòng sông Hương thơ mộng. Nơi chim đậu là thân rồng hướng hai đầu về hai phía, ly đựng thức ăn cho chim là hình “cửu đỉnh”. Mặt đáy và hai bên đáy là hình ảnh sinh hoạt sôi động của cộng đồng người Việt trong các hội đấu vật, được chạm một cách công phu và kỳ công đến mức khó tưởng nổi!

Ngoài ra, anh Căn còn tạo ra nhiều mẫu như lồng chim đầu rồng, khỏa thân, bát quái… rất bắt mắt. “Khi khách đến đặt hàng, tôi tư vấn cho họ một số mẫu dựa vào sở thích, hình dáng, màu sắc nhà, vườn của họ. Nếu họ muốn một mẫu mới, như phong cảnh nhà vườn hoặc những thành viên trong gia đình của họ thì tôi sẽ vẽ ra giấy, sau đó thiết kế lồng chim theo bản vẽ” - anh Căn cho biết. Để làm được một lồng chim tuyệt đẹp, anh mất khoảng 1-3 tháng. Công việc này đòi hỏi người thợ phải kỳ công, tỉ mỉ để tải được  “cái hồn”, sức sống trong sản phẩm.

Mỗi lồng chim của nghệ nhân Đoàn Minh Căn được bán với giá thấp nhất vài triệu, cao nhất có thể lên tới 35 triệu đồng và được bảo hành trong năm năm. Làm cùng anh Căn còn có hai người con là Đào Ngọc Hùng, Đào Xuân Tân và 10 đứa trẻ xin học việc.

Lồng chim xuất ngoại

Đào Ngọc Hùng, con trai của anh Căn, đang theo học nghề cha. 

Anh Căn lập ra một trang web (www.longchimdoanminhcan.vn) nhằm giúp khách hàng dễ dàng liên hệ với anh. Trong năm 2012 vừa qua, anh nhận được 200 đơn đặt hàng trực tuyến. Khách hàng không chỉ ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… mà còn vươn ra tới Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

 “Trước đây, tôi không hề nghĩ lồng chim của mình sẽ có ngày xuất hiện trên thế giới. Nhưng qua một số kỳ Festival nghề truyền thống tại Huế, nhiều du khách quốc tế rất mê những lồng chim có chạm khảm hình ảnh quần thể di tích cố đô. Nhờ vậy, tôi quen biết được một số khách hàng ở nước ngoài. Có người khi nhận được lồng chim còn gọi điện thoại cảm ơn tôi ríu rít…” - anh Căn cười hớn hở.

Nghề chế tác lồng chim tùy thuộc vào tay nghề thủ công, không thể dùng máy móc làm hàng loạt được. “Nghề chạm trổ này không phải ai cũng có thể học tới nơi tới chốn vì nó rất khó”, - anh Căn giải thích - “Mười người học thì chỉ có 1-2 người thành tài, do đó nguồn nhân lực để chế tác lồng chim rất ít. Nhiều lúc khách quốc tế đặt hàng nhiều quá, tôi không kham nổi”.

Để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng, anh Căn vay vốn để mở một dây chuyền liên hoàn từ chọn tre, chẻ phơi, uốn và chạm khắc. Nghệ nhân Đoàn Minh Căn hy vọng, với sự liên hoàn như vậy thì nguồn cung ứng có thể tăng lên mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Năm 1997, Đoàn Minh Căn bắt đầu tham gia các cuộc thi điêu khắc. Đến nay anh đã nhận được tổng cộng 27 giải thưởng, trong đó có bốn giải thưởng lớn gồm: một giải nhất của Cục Mỹ thuật, hai giải nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, một giải nhất tại Festival Huế năm 2010.

NGUYỄN VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm