Đó là thành quả đáng khen ngợi của vợ chồng anh Lê Văn Mừng (41 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tự (40 tuổi) sau 16 năm làm kinh tế mới ở thôn Cù Dừn, xã Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Mừng “tỷ phú” đứng giữa cơ ngơi hồ tiêu của mình.
Tiếng gọi nơi đại ngàn
khoảng 16 năm về trước, chàng trai trẻ vùng biển cát trắng Triệu Phước (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) Lê Văn Mừng hé lộ với bà con lối xóm cái ý định “táo tợn” đi làm kinh tế mới ở Hướng Hóa – mảnh đất rừng thiêng nước độc phía tây tỉnh Quảng Trị. Ngay lập tức Mừng nhận được rất nhiều lời khuyên can, ngăn cản từ phía anh em trong gia đình và bạn bè hàng xóm. Có người độc miệng còn gán cho anh những biệt danh khó nghe, nào là “điên”, “khùng”, “mát dây”…
Năm 1996, ở xã Triệu Phước có chính sách động viên, hỗ trợ cho những hộ dân đi làm kinh tế mới ở vùng sâu, vùng xa. Sau nhiều đêm thức trắng, cuối cùng Mừng quyết định lên đường. Khi đi, Mừng chỉ “một mình một ngựa” mà không kéo cả gia đình theo. Lý do: vợ anh lúc đó còn bận bịu chăm bẵm đứa con mới được vài tháng tuổi và bốn sào ruộng đang nhú chồi non.
Cầm trên tay hơn 2 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước và mấy trăm ngàn đồng mà vợ chồng tích góp, anh không dám chi tiêu phung phí vì đã lường trước sự khó khăn, thiếu thốn đang chờ đợi trước mắt. Lúc mới lên, thôn Cù Dừn chỉ là một bản làng hẻo lánh, thưa thớt của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đường ra trung tâm huyện Hướng Hóa chỉ là một lối mòn nhỏ vừa một người đi và phải mất hơn nửa ngày trời cuốc bộ mới đến được.
Mừng rùng mình kể lại: “Những ngày đầu mới lên đây, chúng tôi thiếu thốn đủ thứ. Đau ốm liên miên mà thuốc thang không có, trong khi đó trạm y tế huyện quá xa xôi, cách nửa ngày trời trèo non, lội suối mới đến. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, những cơn sốt rét rừng khủng khiếp nên có rất nhiều bà con từ miền xuôi lên trong tổng số 40 hộ bỏ về quê hết. Riêng tôi cũng nhiều lần muốn bỏ về nhưng… dân bản nơi đây sẵn sàng cho cơm, khoai, sắn những lúc tôi bị đói, họ xem tôi như một thành viên ruột rà của bản nên tôi đã nán lòng ở lại…”.
Ngày ấy, chính quyền thôn Cù Dừn cấp cho anh Mừng gần 6 ha đất bỏ hoang, nằm thoải theo chân đồi pháo binh. Cây cối, lau lách còn mọc rậm rịt. Anh vắt sức của mình ra khai hoang, trồng sắn, khoai để “lấy ngắn nuôi dài”. Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng trong căn chòi cất tạm, anh thức dậy loay hoay nhen lửa nấu cơm nước để đi làm sớm và làm cho tới tối mịt, nhất quyết không để thước đất nào bỏ hoang.
Mừng vẫn còn nhớ như in cảnh khổ cực ban đầu: “Có những tháng tôi chỉ ăn cơm với muối, nước mắm và măng rừng, vì thế cơ thể thiếu chất, ốm nhom. Cái chòi cất tạm của tôi quá đơn sơ, tạm bợ nên ban đêm ngủ cứ sợ… cọp xơi, tôi phải thủ sẵn cây rựa bên mình. Khốn một nỗi, đất ở đây còn sót lại khá nhiều bom đạn từ thời chiến tranh, có khi cuốc phải quả bom… rợn cả người. May mà nó không nổ, chứ không thì bây giờ “xanh cỏ” từ đời nảo đời nào tê rồi…”.
Sỏi đá cũng mủi lòng
Hình ảnh chàng trai trẻ đôi mươi sáng rựa cầm tay, chiều cuốc trên vai cứ lặp đi lặp lại ngày này qua tháng nọ. Để rồi, trời không phụ lòng người, đất không chối từ những giọt mồ hôi mặn mòi đã nhỏ xuống. Những vụ sắn, khoai đầu tay của anh tốt tươi, mỗi vụ anh thu hoạch hơn 70 tấn sắn, khoai tươi. Có số vốn kha khá trong tay, anh về quê đón vợ lên làm cùng và chuyển sang trồng cây công nghiệp lâu năm.
Khi thổ lộ với bà con dân bản về ý định trồng hồ tiêu, anh nhận được nhiều lời khuyên can: “Đất đai ở đây khô cằn, mi trồng hồ tiêu không ăn thua chi mô, đừng có dại rước cây đó về… phí công!”. Bất chấp sự bàn tán, ngăn cản đó, anh quyết chí đi mua giống, ươm cọc để trồng. “Vạn sự khởi đầu nan”, do chưa nắm được kỹ thuật trồng nên những cây hồ tiêu anh trồng chết dần chết mòn khi chưa đơm bông kết trái. Nhưng với bản tính cần cù, anh Mừng không nản chí.
Sau nhiều lần bàn bạc và thuyết phục vợ, anh Mừng cuốn gói vào Tây Nguyên để “ăn dầm ở dề”, đi làm thuê cho những hộ trồng tiêu lớn trong vùng với mục đích học hỏi kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cho cây hồ tiêu. Anh Mừng còn tìm tòi đọc thêm sách báo chuyên ngành.
Cuối cùng đất không phụ cây, cây không phụ người. Những chia sẻ của những hộ trồng hồ tiêu thành công đã giúp anh Mừng phát triển tốt cây hồ tiêu trên mảnh đất mới. Hơn 2.000 cây hồ tiêu của anh phát triển nhanh, có năng suất cao. Hiện nay mỗi vụ anh thu hoạch gần 6 tấn tiêu khô đã qua sơ chế, trừ mọi chi phí, vợ chồng anh thu nhập hơn 700 triệu đồng và tạo việc làm cho trên 10 lao động địa phương. Bên cạnh cây hồ tiêu, anh Mừng còn trồng thêm gần 6 ha cà phê, trên 150 cây huê (sưa). Anh khoe với chúng tôi: “Năm nay, vườn cà phê sẽ vào vụ chính sau hai lần ra bói, đặc biệt là vườn huê có người ở Đà Nẵng tìm đến đây và trả giá mỗi cây 30 triệu đồng rồi đó…”.
Già làng Hồ Pả Ni (thôn Cù Dừn), người chứng kiến cảnh anh Mừng khi còn chân ướt chân ráo lên làm kinh tế ở đây, cho biết: “Lúc hắn (Mừng) mới lên, khổ cực lắm. Thiếu gạo, bà con cho hắn ăn hoài. Cái thằng này biết điều lắm, hắn giàu rồi nhưng hắn không quên ơn. Hắn nhiệt tình giúp đỡ, vẽ vời, chỉ dạy cách trồng trọt cho bà con làng bản. Trong bản nhiều người hiện nay cũng khấm khá lên là nhờ hắn”.
Chia tay anh, chúng tôi rời khỏi Cù Dừn. Ánh mắt sáng ngời ý chí, làn da rám đen mạnh khỏe, đôi tay sạn sần của anh Mừng chốc chốc lại xuất hiện trong đầu tôi. Một đồng nghiệp đi cùng với tôi buột miệng đọc lên hai câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”…
Lê Văn Mừng - một tỉ phú giữa đại ngàn. Hơn thế nữa, anh còn là một người sống có tình có nghĩa, biết trước biết sau.
BÙI ĐỨC NGHĨA