Tư liệu bóng đá Việt Nam: Tiêu cực bóng đá và “vụ án ” không thành án

Sự né tránh ấy khác với chuyện bất lực và kết quả là phải sống chung với lũ mà vẫn phải “cười”, phải huênh hoang.

Chúng tôi xin điểm lại những “vụ án” không thành án, được xem là một phần của lịch sử bóng đá, luôn là nỗi đau của bóng đá Việt Nam.

Hồi bao cấp, đứng sau lưng mỗi đội bóng là một tỉnh, thành, một địa phương hay một ngành. Chính cái thế lực sau lưng những đội bóng cùng căn bệnh thành tích đã khiến bóng đá nước nhà thời đấy thêm rối rắm, bởi những người làm bóng đá thì “thấp” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) trong khi ở trên cao dội xuống đủ thứ phức tạp.

Trọng tài Phạm Văn Quang dẫn hai đội ra sân. Ảnh: TƯ LIỆU

Nỗi đau Sông Bé

Đầu thập niên 1990, khi Sông Bé chưa chia tỉnh, người hâm mộ vẫn quen gọi đấy là đội bóng đất Thủ. Cái đội bóng miền Đông Nam Bộ chân chất và “thân cô thế cô” mỗi khi đi đá giải A1 với ao ước được lên hạng đội mạnh.

Ngày đấy giám đốc Sở TDTT Sông Bé là ông Tư Minh, được dân bóng đá đưa vào câu vè: “Keo như Phán, láng như Thì, lì như Lộc, long đong như Tư Minh”. Ông Tư Minh có trong tay một đội bóng nhưng mùa nào cũng long đong khi ngấp nghé cửa lên hạng. Có lần ông Tư Minh buồn bã báo cáo miệng với lãnh đạo tỉnh mà trực tiếp quản lý là Phó Chủ tịch Út Lan. Bà Út Lan hồi đấy dù rất bận rộn nhưng cũng dành thời gian theo đội bóng, đặc biệt là trong trận đấu quyết định đến việc thăng hạng trước đội Khánh Hòa trên sân Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk).

Buổi tiệc trước trận đấu được ban tổ chức địa phương chiêu đãi hai đội bóng, tổ trọng tài, giám sát và ban tổ chức giải. Cuối tiệc, bà Út Lan xin được phát biểu: “Tôi chúc các đồng chí trọng tài làm tốt, tôi chúc ban tổ chức giải thành công và tôi thiết tha mong các trọng tài làm nhiệm vụ sẽ không giết đội bóng yếu thế của chúng tôi để ngày mai chúng ta, cả kẻ thắng lẫn người thua, sẽ còn có buổi tiệc vui vẻ gặp mặt nhau cũng tại nơi đây…”.

Nghe rất rõ từng lời chúc và cả lời cầu khẩn ấy nhưng phía đội Khánh Hòa không có ý kiến và Trưởng ban Tổ chức giải Trần Bảy lẫn các trọng tài giám sát khi ấy đều không ai nói gì mà chỉ nhìn nhau.

Trận quyết định suất thăng hạng hôm ấy trên sân Buôn Mê Thuột gồm trọng tài Phạm Văn Quang, hai trợ lý là Nguyễn Văn Mùi, Từ Minh Đăng và trọng tài thứ tư là Triệu Hải Sơn.

Hết hiệp 1, khi Sông Bé bị Khánh Hòa dẫn trước 1-0, cả 10.000 khán giả Buôn Mê Thuột đã bất bình đứng dậy phản ứng, la ó khi tổ trọng tài rời sân nghỉ giữa hiệp. Những khán giả Đắk Lắk vô tư còn đòi thay trọng tài vì đội Khánh Hòa đá thô bạo nhưng không hề bị bắt lỗi trong khi các cầu thủ Sông Bé cứ phải động viên nhau “đừng quan tâm vào còi nữa mà cứ đá bóng đi!”.

Các cầu thủ buồn bã và bất mãn vì bị ép trắng trợn. Ảnh: TƯ LIỆU

Trước khi vào hiệp đấu thứ hai, trọng tài Phạm Văn Quang bị rách bắp và đề nghị được cử trọng tài khác vào thổi thay. Nhưng ông trưởng giải quát lên: “Chừng nào cậu Quang không đi được mà bò trên sân thì tôi mới cho thay”. Sau này mọi người mới biết ông Quang là trọng tài cơ cấu của Liên đoàn, là người chuyên giải quyết những khó khăn và dám “làm bậy” để giúp Liên đoàn nên - tất nhiên - Liên đoàn cũng sẽ đỡ.

Thế là trọng tài Quang buộc phải di chuyển khập khiễng một cách khó nhọc, đã vậy ông còn bị khán giả ném đá khi bước vào sân làm nhiệm vụ ở đầu hiệp 2. Ông Quang gần như chỉ đứng một chỗ thổi trong suốt hiệp.

Nước mắt bà phó chủ tịch

Đỉnh điểm của trận đấu là tình huống tiền đạo đội Sông Bé thoát xuống một mình một bóng đối đầu với thủ môn và “nút chặn cuối” của Khánh Hòa đã lao ra bỏ bóng, tung hai chân đạp thẳng vào ngực tiền đạo Sông Bé.

Trọng tài vẫn xua tay cho trận đấu tiếp tục trước sự phản kháng cao độ của cả đội Sông Bé lẫn toàn bộ khán giả trên sân.

Trận đấu kết thúc với tỉ số 2-0 nghiêng về đội Khánh Hòa.

Sau tiếng còi kết thúc trận đấu, tiền vệ Mai Ngọc Khoa của Sông Bé cùng một số cầu thủ đã uất ức đuổi đánh trọng tài Quang. Lực lượng bảo vệ của ban tổ chức ùa vào sân can thiệp, vung dùi cui và gậy quất túi bụi vào các cầu thủ Sông Bé mà đặc biệt là tiền vệ Mai Ngọc Khoa. Trong khi đó, khán giả Buôn Mê Thuột bất bình đã tràn xuống dùng những chiếc dù che nắng để tấn công trọng tài kèm theo những lời lẽ miệt thị cay đắng nhưng sau đó thì lực lượng bảo vệ đã kịp thời ngăn cản.

Tan trận đấu, khán giả không chịu về vì bất bình với cách cầm còi của trọng tài. Lực lượng bảo vệ không thể mời khán giả về được nên cuối cùng, ban tổ chức sân đã phải tính đến việc đề nghị các trọng tài mặc áo cảnh sát cơ động để lên xe về.

Ẩu đả trên sân.  

17 giờ 15 kết thúc trận đấu nhưng phải đến gần 22 giờ đêm các trọng tài mới có thể ra khỏi sân bằng xe U-oat của lực lượng cơ động và được đưa về khách sạn.

Để bảo đảm an ninh, đêm đó một nhóm cảnh sát cơ động đã được điều đến trực tại khách sạn nhằm bảo vệ các trọng tài.

Cũng đêm đó ở khách sạn, bia và rượu lênh láng trong phòng ban tổ chức và các trọng tài. Đến giờ vẫn còn nhiều người nhắc lại và cho biết đấy là bia “lộc” (một cách chơi chữ với hàm ý là bia của ông giám đốc Sở TDTT Khánh Hòa tên là Lộc).

Bà Út Lan, Phó Chủ tịch tỉnh Sông Bé, sau đó đã an ủi các cầu thủ Sông Bé mà nước mắt ròng ròng. Bà Út nói với giọng thảm thiết: “Ban tổ chức giải như vậy, trọng tài như vậy thì dù đội vô địch thế giới Brazil có qua đây thì cũng không thể đá lại”.

Sau trận đấu ấy, rất nhiều cầu thủ Sông Bé về nhà xin treo giày vì không còn mảy may niềm tin nào nữa.

Tỉnh Sông Bé sau đó vẫn làm lễ mừng công cho các cầu thủ đội nhà mặc dù không được lên hạng nhưng qua những lời phân tích của Phó Chủ tịch Út Lan thì tất cả các cấp đều hiểu vì sao Sông Bé thua.

Một thập niên rưỡi trôi qua, Sông Bé đã thay đổi rất nhiều. Tách tỉnh, đội bóng đổi tên Bình Dương sau đó đã thăng hạng đội mạnh, rồi lên hạng chuyên nghiệp và lên ngôi vô địch - trở thành “ông vua mới” của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người trong số cán bộ và những người làm công tác huấn luyện vẫn không sao quên được cái ngày tồi tệ đối với họ và cũng là với bóng đá Việt Nam.


Những trận cầu “đen” khác

1985: Thể Công - CA Hà Nội 1-4 (sân Thống Nhất)

Đây là trận đấu mà cả hai đội bắt tay nhau để loại Cảng Sài Gòn ra khỏi trận chung kết và bị khán giả TP.HCM phản ứng mạnh mẽ. Không chấp nhận hành vi phản thể thao, Bộ Tổng tham mưu đã can thiệp với ban tổ chức để rút đội bóng về không tham dự giải nữa, bỏ luôn trận chung kết, sau đó xử lý kỷ luật toàn đội.

1994: Lâm Đồng - CA Hải Phòng 1-0 (sân Phan Rang)

Theo “hợp đồng miệng”, đây là trận CA Hải Phòng sẽ nhận được điểm để trụ hạng nhưng gần cuối hiệp 2, Lâm Đồng ghi bàn khiến CA Hải Phòng phải xuống hạng thay. Sau này chính HLV Đoàn Phùng của Lâm Đồng “bật mí” rằng: CA Hải Phòng đã bắt tay với Lâm Đồng nhưng rồi họ lại móc ngoặc với An Giang và cho điểm An Giang để cứu đội này, đặt Lâm Đồng vào thế nếu không giật điểm thì xuống hạng. Thế là họ phải lật kèo.

Tư liệu bóng đá Việt Nam: Tiêu cực bóng đá và “vụ án ” không thành án ảnh 4

HLV Đoàn Phùng (Lâm Đồng): “Họ bắt tay với tôi nhưng lại cho điểm người khác, đẩy chúng tôi xuống hạng nên Lâm Đồng buộc phải lật kèo”. Ảnh: XUÂN HUY 

1995: Lâm Đồng - Huế 1-1 (sân Đà Lạt)

Trận đấu cuối giai đoạn 1 mà nếu tân binh Huế không có điểm thì sẽ phải dự “chung kết ngược”. Huế đã xin Lâm Đồng cho điểm trong trận quyết định này để trụ hạng. Trụ hạng rồi vào vòng trong, Huế gặp lại Lâm Đồng trong trận knock-out nhưng… quên luôn “nghĩa tình cũ” mà đè Lâm Đồng giã thẳng mặt, thắng người “ban ơn” cho mình. Giải này Huế đi một lèo lên ngôi á quân nhưng bị cả làng điểm mặt là “xấu chơi” nên mùa sau bị các đội đè ra đá cho rớt hạng.

1997: CA Hà Nội - An Giang 3-4 (sân Hàng Đẫy)

Trận đấu tưởng kết thúc với kết quả 3-3 thì bất ngờ trung vệ Lã Xuân Thắng (CA Hà Nội) đang có bóng ở sân nhà quay lại sút tung lưới thủ môn Đỗ Thành Tôn (tự bỏ cầu môn đi lên). Bàn thua mà sau đó tác giả đã mạnh miệng nói: “Tôi làm thì tôi chịu nhưng tôi không làm cho cá nhân tôi”.

 NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm