Ba tôi đã mất sớm vì một cơn bạo bệnh. Kể từ đó anh tôi phải gánh vác trách nhiệm “quyền huynh thế phụ” (là người con trai trưởng trong gia đình chín người con). Tôi nhớ mãi cảnh anh Ba lên đường đi nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia…
Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về.
Thời gian cũng dần qua, anh hoàn thành trách nhiệm công dân trở về. Anh đi lính với nghề y tá, khi trở về vì điều kiện gia đình bần nông không có tiền lo lót nên anh xin về công tác ở Công ty Thủy sản Cam Ranh. Các chị, anh lớn phải nghỉ học để cùng với mạ tôi tóc ngày càng bạc trắng, ráng sức lo cho ba người em nhỏ nhất (gồm người anh kế, tôi và đứa em gái út) được học đến đại học, có công việc ổn định.
Rồi cuộc sống gia đình tôi cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều sau khi cơ chế bao cấp được xóa bỏ. Lần lượt một số anh chị lập gia đình, để lại toàn bộ trách nhiệm lên vai anh Ba. Anh hy sinh tất cả, cho đến bây giờ tuổi đã ngoài 50 mà vẫn chưa lập gia đình. Nghĩa tình của anh rộng rãi độ lượng làm chúng tôi cảm kích vô ngần. Có lần anh tâm sự: Anh đi Campuchia bị nhiễm chất độc da cam nên không lấy vợ, sợ gánh nặng cho con cái sau này. Tôi nghe mà nước mắt rưng rưng, ừ nhỉ, “bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”.
Anh vẫn lạc quan yêu đời như “chất lính” vẫn còn rạo rực trong anh. Nhớ về một thời trai trẻ của mình, hằng đêm anh thường đem đàn ra hát.
Việt Nam ơi, Việt Nam núi cao như tình mẹ
Bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
Rồi anh ngừng lại giữa chừng. Tôi hiểu anh đang nhớ những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trận, trong số đó có người còn rất trẻ, có người mới cưới vợ ngày trước ngày sau đã lên đường…
Nhớ về anh, tôi viết lại những dòng này để bày tỏ tấm lòng tri ân. Hơn 30 năm, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ấy.
THOẠI KHANH