Sống trong trong huyền thoại

Sau này nhiều năm anh mới biết tất cả các họ tộc, gia đình trong cả nước đều có ngày này. Có nơi gọi là lễ Thanh minh vào tháng Ba. Có nơi gọi là lễ tảo mộ. Còn ở làng anh, người ta vẫn gọi là ngày chạp mả vào tháng Mười âm lịch. Ðó là lúc nông nhàn dài nhất trong năm, khi vụ hè thu đã gặt xong và vụ đông xuân thì chưa tới.

Từ nhà ra nghĩa địa làng ở Gò Hạ, Quận đi sau cha và nghe những người lớn tuổi kể chuyện về các xứ đất, xứ đồng; về các giai thoại xung quanh những ngôi mộ cổ. Ở làng quê, những giai thoại đó được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Ít khi được ghi chép, thành ra câu chuyện mỗi người kể thường có những tình tiết khác nhau. Trời tháng Mười âm lịch năm nào cũng có mưa lụt. Năm đó tuy không lụt nhưng mưa lất phất. Thỉnh thoảng đoàn người phải dừng lại, nấp vào bóng cây hay khu mộ lớn nào đó và lại kể chuyện…

Khi dẫy những ngôi mả ở gò Phật, người lớn lại kể ngày mới quy dân lập ấp, khi ngôi chùa làng vừa xây xong, nửa đêm thấy trên gò đất đầu làng có những vầng hào quang sáng rực. Sau dân làng khai quật ở đó lên những tượng Phật lớn mang về thờ ở chùa, nên gọi là Gò Phật. Ở lăng tẩm ngài hậu hiền đời thứ bảy tộc Trương, từng làm quan nhất phẩm triều đình thời phong kiến, những người lớn tuổi kể rằng dân trong vùng vẫn thường thấy ngài mặc áo thụng xanh cưỡi con ngựa trắng đi về lăng của mình trong các đêm rằm. Ðó là nguyên nhân của câu nói cửa miệng “Họ Trương mang gươm cưỡi ngựa” lưu truyền hơn hai thế kỷ nay…

Ðến gần ngôi mộ của một ông đầu chi của họ Lê, từng theo nghĩa quân chống giặc ngoại xâm, Quận lại nghe kể chuyện ông này bị trọng thương đã được những con ếch hằng đêm đến hút máu mủ làm lành vết thương. Sau ông về làng lấy vợ và sinh con cháu đến nay đã mấy đời. Con cháu ông về sau có lời nguyền không ăn thịt ếch. Ai bán ếch đều được họ mua và mang ra sông, ra ruộng thả…

 
Mnh họa: Hoàng Tường

Nói chung, đến gần nửa thế kỷ sau Quận mới hiểu dân làng mình đã sống cùng với những giai thoại ấy từ đời này qua đời khác. Có chuyện buồn mà cũng có chuyện vui nhưng dường như tất cả đều được kể lại vào chính những hôm rồng rắn kéo nhau đi dẫy mả, viếng mộ, mà lần đầu tiên năm lên mười tuổi Quận đã được biết…

2. Năm sáu mươi tuổi, Quận trở về làng đúng vào ngày dẫy mả chi họ nhà mình. Trong quãng thời gian nửa thế kỷ ấy là một cuộc chiến tranh và những năm tháng anh phải lăn lộn với cuộc sống ở thành thị. Người làng nói đến tuổi giáp hoa, dù ở đâu cũng phải về đây, ghi tên và tham gia vào hội bảo thọ của làng. Ðể khi qua đời, làng cắt cho chỗ đất để ký thác thân xác lại nơi đã chôn nhau cắt rốn, gần với ông bà, tổ tiên. Sau, đến ngày tảo mộ, con cháu còn có dịp dẫy cho lát cỏ, đốt cho cây nhang… đặng ấm lòng.

Quận không nghĩ đến điều đó. Nhưng bổn phận là trưởng nam của chi họ, anh lại vừa nghỉ hưu, nên đứng ra cáng đáng việc thờ tự tổ tiên là điều đã được mặc định. Có lúc anh nói đùa với mấy chú em họ: “Chú nào nhận chức này thay anh sẽ có thưởng”. Mấy chú em chỉ cười, lắc đầu; có chú còn bảo “Chỉ có gan trời mới dám nhận!”.

Ðúng một tháng trước ngày ấy, ông cụ thân sinh của Quận thắp mấy cây nhang, vái lạy rồi lấy cái ống tre (đã hơn nửa thế kỷ) trên bàn thờ xuống đưa cho anh. “Cha già yếu rồi, giờ giao cái này cho anh. Hồi chiến tranh, nhà thờ ông bà bị cháy, bà con phải lăn vào lửa mới lấy được bộ phả hệ này mang theo đi tản cư. Trong này cũng là máu thịt của bao đời ông cha ta, anh phải chăm sóc…”. Một lúc sau, ông lại nói với Quận: “Mà anh phải nhờ người dịch lại ra chữ quốc ngữ để con cháu ai cũng đọc được. Bộ phả hệ này viết toàn chữ Nho, cha đọc chữ được chữ mất, nên cũng chưa hiểu hết…”.

Trước ngày chạp mả chi tộc, Quận mời được người bạn cũ từng học khoa Hán-Nôm ở đại học về làng. Ba ngày sau, anh ta dịch xong bộ gia phả gồm cả tám đời chi phái của Quận. Anh đưa đánh vi tính, in ra nhiều bộ, đóng bìa để trao cho từng gia đình giữ riêng và ghi chép tiếp. Một ông chú họ đọc xong bản in vi tính, thắc mắc: “Vậy là thiếu mấy người. Cháu xem lại trong bản gốc có ghi bà nào là thứ phi của vua và có ông nào là ông… cụt đầu không?”.

- Sao lại có chuyện đó, chú? - Quận hỏi lại.

- Ừ, để tao kể cho nghe… “Trên đường ra nghĩa trang làng, gần trại chăn nuôi, bây giờ vẫn còn ngôi mộ nằm riêng lẻ, không ghi tên người mất. Ðó là mộ của ông cụt đầu, bậc cao đời trong chi mình. Ông đã lấy cắp báu vật trong nội cung chạy theo phe chống đối triều đình. Vua cho quân lính đuổi theo, chém đầu ông rồi mang thủ cấp về kinh đô. Nghe ông bà lớp trên kể lại, gia đình chỉ được mang phần còn lại của thi thể ông về làng, chôn ngoài rìa nghĩa trang và không được ghi tên tuổi chi cả…”.

- Sao ông lại ra được kinh đô và vào trong nội cung?

- Nghe kể là chị ông được vua đưa về cung. Bà rất được sủng ái. Và ông đã đi theo chị…

Sáu chục năm qua, đây là lần đầu tiên Quận nghe được câu chuyện của chi tộc mình. Lạ quá! Trong gia phả các đời từ xưa đều không thấy hai người này xuất hiện. Câu chuyện cứ ám ảnh anh nhiều ngày sau đó.

3. Dưới một lùm cây duối cổ thụ có một nấm mộ nhỏ xây gạch đã lâu. Tấm bia gạch, trát xi măng đã nứt nẻ nhiều chỗ, chỉ ghi vỏn vẹn mấy chữ Nho: (Họ)…vô danh. Dưới là “tập thể” những người lớn tuổi thuộc chi tộc nhà Quận, cách nay ba đời “đồng phụng lập”. Ông chú họ kể: Nhiều đời nay, mỗi lần chạp mả, bà con mình vẫn dẫy ngôi mộ này. Ðây chính là mộ “ông cụt đầu” tao đã kể cho anh nghe bữa nọ. Lại nữa, cái chết của bà nội tao có liên quan đến ổng…

Mọi người vừa phát dọn ngôi mộ, vừa lắng nghe ông chú họ: “Năm đó, bà nội tao, tức bà cố của anh đang xắt khoai lang đã lăn đùng ra chết cũng chỉ vì món đồ cúng bằng vàng của ổng… Người trước kể rằng trên đường tẩu thoát theo phía chống đối triều đình, ông có mang về nhà ba lá trầu và một quả cau bằng vàng rồi dặn lại nếu ổng không về, cứ đến ngày tết mang mấy thứ này đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên. Ba lá trầu và trái cau ấy sau trở thành vật gia bảo. Dù gia cảnh có bần cùng cũng không ai dám bán đi. Cúng xong lại bỏ vào hũ, chôn gần bếp. Bà nội tao giữ nếp cũ của mấy đời trước đều làm y như vậy. Mờ sáng tháng Hai năm ấy, đang xắt khoai ngoài hiên, bà vào bếp uống nước thì thấy cái hũ không trên mặt đất. Có kẻ đã theo dõi và lấy trộm trong đêm. Bà hoảng hốt, chạy ra đến chỗ nong khoai định la làng thì ngã xuống, đi luôn…”.

- Bà nội chú là dâu trưởng của nhà trưởng nam. Có nghĩa là cả bà thứ phi và ông cụt đầu là con cháu nhà trưởng, thuộc đời nào đó trong nhà mình. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ghi trong gia phả..., Quận nói thành lời những suy đoán của mình.

Lễ chạp mả năm ấy của chi tộc nhà Quận khá đông. Con cháu, dâu rể cả ba đời tụ họp về đến gần hai trăm người. Mổ cả con bò nghé và đặt thêm 20 bàn tiệc. Con cháu bên nội đóng góp mọi chi phí và còn thừa ra gần chục triệu. Mọi người quyết định dùng số đó để ưu tiên tu bổ, dựng bia lại ngôi mộ cho “ông cụt đầu” để bày tỏ sự hiếu thuận của con cháu. Ai cũng vui vẻ. Riêng Quận lại trầm ngâm, anh như bị cuốn vào một câu hỏi phải đi tìm lời giải đáp…

Nhiều ngày sau, Quận tìm tới người bạn dịch Hán-Nôm, nhờ đọc kỹ lại gia phả. Vẫn không thấy chi tiết nào liên quan. Nhiều vị cao đời trong gia phả, cả nam và nữ đều được ghi là vô danh hoặc tảo dịch. Không chi tiết nào liên quan đến một người được nhà vua sủng ái đưa về kinh. Anh lục khắp các nhà sách, truy tìm trên mạng Internet về các vương phi, cung tần nổi tiếng các triều vua mong tìm ra manh mối. Vẫn không một chút ánh sáng. Có ba vương phi mang cùng dòng tộc anh nhưng đều ghi là thị, không tục danh nhưng quê quán lại rất khác. Anh lại đi tìm hiểu các phong trào nổi dậy chống triều đình phong kiến ở miền Trung, cũng không có dấu vết gì liên quan đến “ông cụt đầu”…

Một hôm, người bạn dịch Hán-Nôm gửi cho Quận một e-mail dài. Anh ta cho biết cũng đã âm thầm lục tìm tài liệu giúp bạn nhưng không thành. Cuối thư anh ta viết: Tôi lại tìm thấy nhiều trường hợp từ thời phong kiến người ta đã sợ liên lụy mà tự động xóa tên tuổi nhiều thành viên trong gia đình chỉ vì liên quan đến các trọng án. Trường hợp ông và bà cao đời nhà anh không biết có rơi vào hoàn cảnh này không thì chưa rõ…

Ðọc thư bạn, trong đầu Quận lóe lên một thứ ánh sáng, tuy yếu ớt, của một huyền thoại. Nhưng anh vẫn mong và tin là vậy. Ðôi khi trước những hồ nghi của lịch sử, niềm tin cũng rất quan trọng. Và Quận tự bảo đến dịp chạp mả sang năm sẽ đem câu chuyện này ra kể cùng anh em…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm