Kiêu hãnh lắm, bà đánh bạc tới tới. Chồng thì chạy ít nhậu nhiều, vợ thì bài bạc đề đóm. Phút chốc nợ vây đến nhà. Xe phải bán rẻ, trong nhà cái gì chủ nợ cũng lấy cho bõ ghét.
Làm cô dâu bên xứ Hàn. (Ảnh có tính minh họa)
Chị tôi nhìn qua nhìn lại, dỗ ngọt con gái đi theo mụ tú bà: “Đằng nào thì mầy cũng đã mất…. rồi. Sang Malaysia, Singapore làm giàu với người ta. Thấy người ta gửi tiền về hà rầm không?”. Tôi nghe, vội sang khuyên can, bị hai vợ chồng anh chị mắng chửi té tát: “Con tui đẻ ra, tui có quyền. Trước nó cũng cặp Việt kiều tứ tung, thân như cái mền rách”.
Cũng may, sau khi đến khách sạn góp quân, cháu gái tôi lo sợ nên vờ ra ngoài mua nước, sau đó tôi đưa cháu đi trốn. Rồi dọa: “Ông bà muốn tôi đưa chuyện ép con đi bán lên báo chí không?”.
Tôi chỉ có thể giúp cháu gái tôi một lần, lần sau thì nó tự nguyện đi coi mắt Hàn Quốc: “Ở nhà bả chửi hoài. Nói đẻ con mà không được nhờ. Biết vậy hồi đó lượm mấy đứa mồ côi đẹp đẹp về nuôi, gả cho Việt kiều, ngoại kiều, giờ rung đùi ngồi đếm đôla. Thôi, con đi cho khuất mắt bả”.
Về nhà chồng xứ Hàn, cùng chơi với các cô dâu Việt, cháu gái biết được một thực tế: Có khá nhiều gã đàn ông Việt Nam qua đây “lao động xuất khẩu” nhưng thay vì đi kiếm việc thì chọn cách đeo bám cô dâu Việt để làm chồng hờ. Nhất là cặp bồ với những cô dâu Việt cùng chồng Hàn ra ở riêng. Chồng đi vắng thì tha hồ vào ăn ké, mặc ké.
Hai năm sau, sinh cho chồng một đứa con. Cháu tôi đề nghị ly hôn. Anh chồng Hàn cũng chán cô vợ trẻ đẹp lạnh nhạt không tình cảm nên gật đầu cái rụp. Thế là ra ngoài… sống lưu vong. Còn anh chị tôi tỉnh bơ: “Thì nó vô chỗ tụi China làm giấy giả vô quốc tịch mấy hồi. Cứ lo tiền là xong hết. Miễn đừng quậy thì thôi”.
Sau khi ra ngoài, cháu gái tôi nhanh chóng gá nghĩa cùng một anh người Việt “lưu vong” (tức là không đi làm, nằm nhà). Chị tôi ghét anh này lắm, vì con gái tôi toàn đi làm lo sinh nhai. Còn chồng hờ thì nằm dài ở nhà trọ chứa bài, cá ngựa, cá đá banh. Mấy lần gọi điện thoại sang đều nghe anh chàng nổ: “Con sắm xe hơi rồi, xe xịn. Chạy khắp Seul không ai hỏi giấy”. Cháu gái tôi lại có bầu, chồng hờ tiếp tục nổ: “Ở lại Hàn sinh đi, tốn mấy ngàn đô chứ nhiêu”. Anh chị tán vô: “Nghe nói là theo luật ở bển thì sinh ở đâu, con quốc tịch đó”. Tôi cảm thấy bực mình: “Cô dâu tạm trú có con với bạn trai lưu vong, giấy khai sinh ghi sao?”. Cả hai im re.
Sang tháng thứ sáu, cháu gái phải ôm bụng về quê nhà, vì hàng không Hàn quy định không cho bất cứ thai phụ thai lớn trên bảy tháng lên máy bay. Còn mấy chỗ thuê mướn cũng ngán bà bầu nặng nề chậm chạp. Gặp nhau, câu đầu tiên là cháu hỏi tôi: “Cho con vay 2.000 USD đi cậu. Mơi mốt con sang bển đi mần trả lại”.
Đẻ con chưa tròn tháng, cháu gái tôi vội vã quay lại Hàn Quốc, để con lại cho ông bà ngoại. Trong một lần gọi điện thoại về, cháu cho biết: “Tụi con ra ngoại ô mướn nhà rẻ hơn. Bên này ai kêu gì làm nấy. Bán hàng ở chợ, đi thu hoạch rau, dán hộp, tự mua đồ về nấu ăn cho đỡ tốn. Tiền mượn chắc lần hồi con trả”. Tôi hỏi thăm về cha của đứa bé, cháu tôi nói thản nhiên: “Nó đi ở với con khác rồi. Cũng là thân phận như con vậy. Con cũng đang quen với thằng khác”.
Bên nhà, anh chị tôi vẫn tiếp tục sống kiểu vay trước trả sau. Còn về tương lai của cháu ngoại, anh chị lạc quan lắm: “Mẹ nó sắp có thẻ thường trú rồi. Xong vụ nhập tịch là bảo lãnh nó qua. Rồi nhân cơ hội đó bảo lãnh ông bà qua luôn”.
“Xứ Hàn xịn lắm. Nhà lầu xe hơi, trai đẹp gái đẹp. Mơi mốt qua bển tha hồ làm ông chủ” - ngồi ẵm cháu, nhịp giò xem phim truyền hình Hàn Quốc, khề khà nhậu rượu - anh rể và chị tôi lại mơ màng như thế.
Lại một năm sắp trôi qua. Năm thứ năm, cháu gái tôi vẫn còn tha phương cầu thực đâu đó bên xứ Hàn xa lắc…
DUY MINH