Người thợ già 23 năm vá xe

Cứ độ 2g chiều, những người dân sinh sống trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần chân cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại trông thấy một cụ già tầm 80 tuổi đội nón lưỡi trai đen, đi đôi dép tổ ong đã cũ, lỉnh kỉnh dọn đồ nghề. “Cửa hàng” của ông chỉ là một góc nhỏ gần đường đông người qua lại. Trời mưa cũng như trời nắng, ngày nào cụ Tư cũng ra đây để hành nghề vá xe.

Cụ Tư vá xe cho khách - Ảnh: T.Mai 

Không phải vì túng thiếu, cũng chẳng bị ai bỏ rơi, ông đi vá xe chỉ đơn giản vì tình yêu với nghề, yêu cái góc nhỏ gắn bó với ông đã ngót nghét 23 năm trời. Ngay từ những ngày mới chân ướt chân ráo từ Quảng Nam vào Sài Gòn sinh sống, ông đã vá xe ở đây. Bây giờ con cháu của ông đã lớn hết, có nhà có cửa, nhưng hai ông bà vẫn muốn tự nuôi nhau. Hằng ngày, cứ 2g chiều ông lại đạp chiếc xe cọc cạch của mình, vượt quãng đường tầm 5 cây số để đi làm, cho đến tận 2g sáng ông mới lọ mọ thu dọn đồ nghề trở về nhà.

Khi đường phố bắt đầu lên đèn, cũng là lúc công việc của ông bận rộn hơn cả. Chốc chốc lại có một người đẩy xe vào nhờ ông Tư vá xe. Đôi bàn tay gân guốc bắt đầu thoăn thoắt nạy vỏ, bơm hơi. Tuy đã cao tuổi, tay đã run, không còn được khỏe khoắn như trước nhưng ông vẫn còn dẻo dai và minh mẫn lắm. Dưới ánh đèn vàng của ngọn đèn đường, đến cả những người trẻ cũng phải căng mắt mới thấy được vết ruột lủng, nhưng đối với ông, chỉ cần vài động tác là đã phát hiện ra dấu vết.

Vừa làm ông vừa cười, vui vẻ giải thích: “Thấy vết lủng chưa, giờ lấy tăm đánh dấu vào này. Sau đó, phải chùi nhám bôi keo mới được dán miếng vá lên được”. Từng bước, từng bước trong công đoạn vá xe, ông không bỏ qua bất kỳ bước nào. “Phải làm cho thật kỹ, nếu làm dối đi được vài đoạn hết hơi, người ta lại phải đẩy bộ tìm chỗ vá tội lắm, mà mình lấy tiền cũng không cam tâm” - ông nói.

Cứ như vậy, chưa vá xong chiếc này, chiếc kia đã “đặt chỗ”, ngày ít khách thì được 10 chiếc đến bơm và vá, ngày đông khách thì 15, 20 chiếc. Tiệm vá xe của ông đã trở thành chỗ uy tín suốt mấy chục năm nay, khách quen cũng không ít. “Ngày nào đi ngang qua đây cũng thấy cụ đã đến rồi. Cụ làm việc cũng cẩn thận lắm” - chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, một khách hàng quen của tiệm ông Tư, chia sẻ.

12g đêm, khi khách đã vãn, ông lại thảnh thơi nhặt những con ốc vít vương vãi trên nền đất vào ca nhựa, sắp xếp dụng cụ gọn gàng vào một góc, rồi ngả tạm lưng trên ghế dựa cũ chờ khách. Đêm Sài Gòn vẫn nhẹ nhàng trôi...

Theo TUYẾT MAI (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm