Sinh ra giữa thời bình, lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh, nhưng thà thơ Lữ Mai (sinh năm 1988) đã viết một cuốn trường ca đầy bi tráng và xúc động về Chư Tan Kra - nơi diễn ra trận chiến khốc liệt giữa Trung đoàn 209 với quân đội Mỹ năm 1968.
Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ 27-7, chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị
Địa danh lịch sử...bị lãng quên
.PV: Trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" của chị ra đời đã tạo nên nhiều xúc cảm cho người đọc, nhất là những cựu chiến binh. Chư Tan Kra- địa danh đó gây ấn tượng với chị thế nào để được lựa chọn làm chủ đề chính ?
+ Nhà thơ Lữ Mai: Tôi đã có những lần đến với mảnh đất Tây Nguyên và có bạn bè ở đó, nhưng ấn tượng của tôi về Chư Tan Kra - nơi diễn ra trận chiến khốc liệt giữa Trung đoàn 209 với quân đội Mỹ, chỉ trong đêm 25 rạng ngày 26-3-1968 đã có hơn 200 người lính Hà Nội hy sinh - thì không nhiều người biết tới, kể cả những người sống ở Tây Nguyên.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khi đoàn Cựu chiến binh đầu tiên trở về chiến trường xưa tại Điểm cao 995 tìm hài cốt đồng đội, nhiều người vẫn ngạc nhiên hỏi nhau: “Các bác tuổi cao sức yếu còn lên núi làm gì?” Chư Tan Kra mới chỉ được biết đến nhiều hơn trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là khi có bộ phim tài liệu “Chư Tan Kra: của đạo diễn Vũ Minh Phương đoạt giải Cánh diều Vàng và Bông sen bạc. Tôi may mắn có những người bạn thân là phóng viên, biên tập viên chương trình Đi tìm đồng đội của Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam nên được tiếp xúc với câu chuyện này từ khá sớm.
Bìa cuốn sách. Ảnh: NVCC
. Để hoàn thiện trường ca, chị lấy chất liệu từ những nguồn nào ?
+ Tôi may mắn được tiếp xúc với các Cựu chiến binh ở những lần trở về và đặc biệt là các gia đình liệt sĩ. Trong khoảng thời gian đó, mọi tâm tư, cảm xúc đã được lắng lại, trở nên sâu hơn, bình lặng hơn… Nhờ đó, tôi cũng cảm nhận được nhiều câu chuyện phía sau hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đó cũng chính là những yếu tố tôi muốn khắc họa rõ trong trường ca. Ở giai đoạn đang kiếm tìm, trông mong mỏi mòn, mọi người thường không nghĩ ngợi được nhiều mà chỉ tập trung công việc chính, tới khi trở về mọi thứ mới vỡ òa, tôi muốn bắt nhịp vào sự vỡ òa đó.
Người lính khao khát lời ru của mẹ
. Chị có thể kể một câu chuyện khiến chị vỡ òa đó ?
+ Tôi có nhiều kỷ niệm với các Cựu chiến binh, nhưng chi tiết tôi nhớ nhất là khi đọc đến bản thảo trường ca lần cuối cùng, Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, một trong những nguyên mẫu của tác phẩm, vẫn muốn tôi bổ sung thêm những lời ru của người mẹ Việt: “Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về...” Lời ru ấy đã luôn vang vọng trong trí nhớ của ông và đồng đội mỗi khi quay lại Chư Tan Kra.
Những người lính già nằm võng, nhìn tăng, đợi trận mưa mịt mù kéo từ hướng Chư Mom Ray trôi qua. Giây phút thảnh thơi nhưng quá nhiều cảm xúc, nỗi niềm ùa về, ứ đọng. Họ nhớ những đồng đội khi ngã xuống chiến trường chưa kịp gọi “Mẹ ơi!”, họ xót những đồng đội trong giây phút đau đớn cuối cùng không được xoa dịu bởi lời ru của mẹ. Vì trận chiến quá khốc liệt, quá bất ngờ... Chính Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng cũng khao khát lời ru của mẹ vì ông mồ côi mẹ từ thuở ấu thơ.
Nhà thơ Lữ Mai và cuốn trường ca của mình. Ảnh: NVCC
Thêm một kỷ niệm nữa, đó là sau thời gian tiếp xúc với các Cựu chiến binh, tôi nhận thấy trước mọi niềm vui và món quà dù nhỏ bé của cuộc sống hòa bình, họ đều muốn dành cho đồng đội. Khi tôi tặng Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng những loài cây mang về từ Trường Sa như: bàng quả vuông, mù u, bão táp, tra... ông nhất quyết chăm sóc để cây khỏe mạnh và chuyến tới mang vào Chư Tan Kra cho những đồng đội đã yên nằm được ngắm loài cây từ biển đảo.
. Tại sao chị lại lựa chọn chủ đề này làm đề tài sáng tác, trong khi đây không phải là chủ đề phổ biến mà những cây viết trẻ lựa chọn ?
+ Người trẻ biểu trưng cho nguồn năng lượng dồi dào và tôi muốn sử dụng vốn liếng đó cho lao động sáng tạo. Không chỉ có văn chương, với những việc khác như nấu ăn chẳng hạn, tôi cũng thích dụng công và học những món mới. Mọi kết quả, nếu có, đều phụ thuộc vào cách chúng ta đã vun đắp, chăm chút cho công việc. Cũng bởi trẻ, nên ngoài ưu thế về năng lượng, chúng tôi đối diện nhiều khó khăn, trong đó có kinh nghiệm, trải nghiệm, vốn liếng cuộc sống… nhưng nếu không dấn thân, thậm chí không có những nông cạn, sai lầm thì ta không làm nên điều gì cả.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này !
Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” được phát hành từ giữa tháng 6, tính đến hết ngày 17-7, cộng thêm một phần tiếp nhận ủng hộ các cựu chiến binh Trung đoàn 209, chúng tôi đã thu được 54.800.000 đồng. Toàn bộ số tiền sẽ được trao cho các cựu chiến binh dịp 27-7 này để phục vụ cho công tác đi tìm đồng đội. |