Người trúng đấu giá biển số xe đẹp chết, giải quyết ra sao?

(PLO)- Một trong những vấn đề của dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá mà các Đại biểu Quốc hội quan tâm là quyền sở hữu biển số xe của người trúng đấu giá.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-10, trong buổi thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội tại đoàn TP.HCM đã cho nhiều ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá

Vấn đề được đại biểu tập trung nhiều nhất liên quan đến quyền sở hữu biển số xe của người trúng đấu giá. Dự thảo nêu, trong 12 tháng kể từ ngày có biên bản xác nhận trúng đấu giá của cơ quan có thẩm quyền mà người trúng đấu giá chết, chưa gắn biển số trên xe thì sẽ hoàn trả lại tiền trúng đấu giá cho người được thừa kế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Đại biểu Hạnh cho rằng, quy định như vậy là trái với Điều 221 Bộ luật Dân sự vì một trong những căn cứ để xác lập quyền sở hữu là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Theo dự thảo, kể từ khi người trúng đấu giá nộp đủ tiền và có văn bản xác nhận về việc trúng đấu giá thì biển số trúng đấu giá sẽ thuộc sở hữu của người trúng đấu giá đó. Vì vậy, phải đảm bảo quyền tài sản và thực hiện quyền tài sản chứ không thể nói là trong vòng 12 tháng mà chết thì cơ quan tổ chức đấu giá trả lại tiền”, bà Hạnh nói.

Đại biểu Hạnh cũng đề xuất dự thảo Nghị quyết nên theo hướng mở là cho người dân được lựa chọn một trong hai hình thức: hoặc nhận tiền hoặc theo di chúc của người đã mất.

Đại biểu Dương Ngọc Hải: "Không cho thừa kế, tặng cho nhưng nếu trong 12 tháng mà người trúng đấu giá mất thì người thừa kế được nhận lại tiền là mâu thuẫn và vô lý"

Đại biểu Dương Ngọc Hải: "Không cho thừa kế, tặng cho nhưng nếu trong 12 tháng mà người trúng đấu giá mất thì người thừa kế được nhận lại tiền là mâu thuẫn và vô lý"

Đại biểu Dương Ngọc Hải cũng cho rằng dự thảo quy định như vậy là trái với Bộ luật Dân sự về đảm bảo quyền tài sản. Vì người có tài sản được quyền định đoạt, thừa kế, tặng cho, nếu ràng buộc trong vòng 12 tháng sau khi trúng đấu giá phải gắn vào biển số xe do mình sở hữu, không được tặng cho là không phù hợp.

“Ngoài ra, không cho thừa kế, tặng cho nhưng nếu trong 12 tháng mà người trúng đấu giá mất thì người thừa kế được nhận lại tiền là mâu thuẫn và vô lý”, đại biểu Hải nói.

Biển số xe gắn với người dễ dẫn đến đầu cơ

Bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - băn khoăn khi dự thảo quy định theo hướng người được trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình.

“Tôi thấy thực sự rất băn khoăn vì mục tiêu của biển số xe là để quản lý phương tiện mà bây giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng được, có thể chuyển từ xe nọ sang xe kia. Việc này sẽ rất phức tạp trong quản lý, nhất là khi chúng ta đang thực hiện thí điểm vấn đề này”- bà Thủy nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, “biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện” khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế phương tiện đó. Khi nào hết vòng đời phương tiện thì biển số xe được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.

“Biển số xe gắn với người có thể dẫn đến một số trường hợp chúng ta chưa lý giải được và dẫn đến một khả năng đầu cơ rất lớn. Người ta có thể đấu giá rất nhiều biển số để gắn cho xe giá rẻ, khi ai đó có nhu cầu mua biển cho xe sang, xe xịn thì sẽ bán lại”- bà Thuỷ lo ngại.

Bên cạnh đó, các đại biểu TP.HCM cũng cho rằng Quốc hội không nên đưa ra mức giá cho vùng 1 (gồm Hà Nội, TP.HCM) và vùng 2 là các tỉnh thành khác mà chỉ quy định ở góc độ biển số xe là tài sản công. Những vấn đề cụ thể thì Chính phủ sẽ quy định và tổ chức thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm