“Nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các nguồn kháng khuẩn mới. Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc chữa nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp”.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cảnh báo tại buổi gặp mặt báo chí về tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc.
Tuần lễ phòng, chống kháng thuốc sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 22-11, đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Ông Cao Hưng Thái, Cục phó Cục Khám chữa bệnh, cho biết mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng là vấn đề rất trầm trọng ở Việt Nam.
Đây là hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị và đặc biệt gia tăng khi việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến hơn.
Việc tự ý sử dụng kháng sinh khi không có đơn của bác sĩ sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc
Hiện nay, kháng thuốc không phải là vấn đề mới nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.
“Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” - đây là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước, trong đó có Việt Nam cùng chung tay phòng, chống kháng thuốc.
Ông Thái khuyến cáo mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy - hải sản theo đúng hướng dẫn. Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.
Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng lấy 1 triệu chữ ký kêu gọi chung tay phòng, chống kháng thuốc.