Theo đó, bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như và bị cáo Nguyễn Minh Chung đều bị tuyên mức án 12 năm tù, Phạm Thanh Kim Hạnh năm năm tù, Ngô Thành Vương chín năm tù, Trần Đức Vững 11 năm tù.
Tòa cũng buộc các bị cáo bồi thường cho bà Dương Thị Thảo (vợ nạn nhân) với tổng số tiền gần 142 triệu đồng (đã trừ đi 100 triệu đồng bị cáo Như bồi thường trước đó).
Các bị cáo phải có nghĩa vụ cấp dưỡng 2 triệu đồng/tháng cho con của nạn nhân (tính từ 27-6-2014 đến khi các trẻ đủ 18 tuổi).
Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như (áo trắng) cùng đồng phạm nghe tòa tuyên án. Ảnh: HOÀNG GIANG
Riêng phần nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh, cha mẹ bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngoài ra, tịch thu sung quỹ Nhà nước hai điện thoại di động, tịch thu tiêu hủy một SIM điện thoại di động.
Trước đó, đại diện KSV đọc bản luận tội và sau phần tranh luận lại với các luật sư. Đại diện VKSND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị phạt bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy CSGT), bị cáo Nguyễn Minh Chung từ 10 đến 11 năm tù; Ngô Thành Vương, Trần Đức Vững từ tám đến chín năm tù; bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh từ bốn đến năm năm tù.
Clip HĐXX tuyên án vụ 'bị đánh chết sau khi cự cãi CSGT'.
Đề nghị tòa tuyên các bị cáo liên đới bồi thường những chi phí hợp lý cho gia đình bị hại theo đúng quy định pháp luật.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đêm 25-6-2014, tổ tuần tra CSGT do Thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như làm tổ trưởng chốt tại giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM). Thấy ông Nguyễn Văn Chín có biểu hiện đã sử dụng rượu bia, CSGT dừng xe kiểm tra nhưng ông Chín không ký biên bản và la lối.
Lúc này Nguyễn Minh Chung (người quen của Như, vừa ra tù về tội cướp giật tài sản) đến giải quyết bằng cách “đánh dằn mặt”. Chung đã gọi theo Phạm Thanh Kim Hạnh, Ngô Thành Vương và Trần Đức Vững cùng đến.
Nhóm của Chung đã gọi ông Chín ra một nơi khác rồi lao vào đánh. Kết quả ông Chín đã tử vong trên đường đi cấp cứu.