Nguyên liệu giấy in của NXB Giáo dục có thể bị kênh 210 tỉ đồng

(PLO)- Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm về kinh tế tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ trong ngày cuối năm 2022 đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Ngoài những vấn đề đã được giới thiệu ở bản tin trước, theo thông báo kết luận thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện dấu hiệu bất thường trong việc làm ăn của NXB Giáo dục với Công ty CP Giấy Phùng Vĩnh Hưng.

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm kinh tế tại Nhà xuất bản Giáo dục. Ảnh: NN.

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm kinh tế tại Nhà xuất bản Giáo dục. Ảnh: NN.

Cụ thể, giai đoạn 2014-2019, Công ty Phùng Vĩnh Hưng đã cung cấp hơn 83% số lượng giấy cho NXB Giáo dục, giá trị gần 1.890 tỉ đồng với nguồn gốc là hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, kiểm tra xác suất một số hợp đồng của doanh nghiệp này thì đoàn thanh tra nhận thấy giá bán cho NXB Giáo dục cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá họ nhập khẩu, giá trị chênh lệch là hơn 210 tỉ đồng.

“Những nội dung nêu trên cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch” – Thanh tra Chính phủ thông báo.

Tiếp đó, việc xác định giá trần các gói thầu in SGK của NXB Giáo dục cũng có phần bất hợp lý. Khi đấu thầu, NXB bán 3 loại giấy in với thuế VAT đầu vào là 5% cho các đơn vị trúng thầu.

Nhưng đến đoạn xây dựng giá trần để đưa sách ra thị trường, phục vụ học sinh cả nước thì NXB Giáo d ục lại tính chung theo mức thuế VAT của dịch vụ in SGK là 10%.

Chênh lệch 5% thuế VAT với giấy nguyên liệu in SGK, tính trên đầu sách thì không nhiều. Nhưng nếu gộp số lượng tất cả các đầu sách theo giá NXB đăng ký từ năm 2011 thì tính ra gây tốn kém xã hội gần 19 tỉ đồng.

Về in và phát hành SGK, cơ quan thanh tra cho rằng NXB đã làm tăng chi phí sản xuất; chưa thực hiện hết các yêu cầu của Bộ GD&ĐT nhưng đã tăng giá sách thêm 16,9% từ năm học 2019-2020; quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK và hạch toán các năm 2014-2018 có sai sót… Các yếu tố này làm tăng chi phí xã hội mà trực tiếp là các gia đình cho con em đang học phổ thông khoảng 85 tỉ đồng.

"NXB có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh; xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn theo quy định, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK" – thông báo của Thanh tra Chính phủ nêu.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Thanh tra Chính phủ nhận xét NXB Giáo dục một thời gian dài ở vị thế độc quyền trên thị trường SKG, là đơn vị duy nhất được tổ chức biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in và phát hành.

Vậy nhưng quá trình thực hiện chức trách, NXB chưa tham mưu cho Bộ GD&ĐT điều chỉnh thiết kế, biên tập SGK để hạn chế việc học sinh viết vào sách, qua đó khuyến khích thực hành tiết kiệm, sử dụng lại SKG cũ.

Qua cuộc thanh tra này, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT cùng NXB Giáo dục nghiên cứu, ban hành ngay cơ chế, chính sách quy định về sử dụng lại SGK, hạn chế tối đa lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội.

Để chống độc quyền, thao túng giá, NXB cần xây dựng lộ trình không thực hiện in SGK theo hình thức giao in gia công, mà chuyển sang đấu thầu rộng rãi. Thực hiện ngay việc đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp giấy in.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT kiểm tra các yếu tố hình thành giá SGK từ năm 2011 của NXB Giáo dục về giá giấy in, tỷ lệ chiết khấu, cơ cấu chi phí và giá thành... Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý.

Về xử lý kinh tế, cuộc thanh tra này chỉ tập trung vào giai đoạn 2014-2018, trong khi SGK được đăng ký giá từ năm 2011. Vậy nên đoàn thanh tra yêu cầu NXB Giáo dục đưa ra mức giá đúng đắn. Trên cơ sở đó, tình toán phần chi phí xã hội tăng thêm đã vào túi NXB Giáo dục từ 2011 đến nay để nộp lại ngân sách nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm