Theo cáo trạng, năm 2012, Phạm Trần Đông Nghy, Dương Tiến Quốc, Nguyễn Công Danh và Trịnh Thanh Kiều (cùng là công nhân Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Nhà máy sữa Dielac) liên hệ với Phạm Việt Thắng, lúc này là Trưởng khoa Cơ điện Trường trung cấp nghề Dĩ An (đến tháng 5-2013 lên chức phó hiệu trưởng) nhờ làm giúp bằng trung cấp nghề của trường. Thắng ra giá mỗi bằng 18 triệu đồng và yêu cầu Nghy, Quốc, Danh, Kiều làm hồ sơ kèm ảnh 3x4 gửi Thắng.
Khoảng tháng 9-2012, Thắng dùng 4 phôi bằng, con dấu và giả chữ ký của hiệu trưởng trường để làm bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cùng bảng điểm cho Nghy, Quốc, Danh, Kiều. Đến cuối năm 2012 thì hoàn thành, giao cho bốn người nói trên.
Đầu năm 2013, Nghy, Quốc, Danh, Kiều nộp bằng cho Nhà máy sữa Dielac. Sau đó nhà máy gửi công văn đến Trường trung cấp nghề Dĩ An xác minh tính hợp lệ của bằng và được trường phản hồi là giả mạo, đề nghị nhà máy phối hợp thu hồi.
Lo sợ Nghy, Quốc, Danh, Kiều bị đuổi việc, Phạm Việt Thắng tiếp tục soạn thảo công văn số 15/VP-TCN ngày 27-8-2013, giả chữ ký hiệu trưởng và đóng dấu của nhà trường gửi cho Nhà máy sữa Dielac. Nội dung công văn xác định bốn công nhân có nhập học tại trường nhưng chưa đủ thời gian cấp bằng, trường sẽ sớm khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho các học viên.
Một thời gian sau, cơ quan chức năng vào cuộc, Thắng trình báo sự việc cho hiệu trưởng trường biết và mọi chuyện bại lộ.
Tại phiên toà, Phạm Việt Thắng bị tuyên phạt ba năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”. Các bị cáo Nghy, Quốc, Danh, Kiều (vắng mặt) phải nộp 15 triệu đồng sung quỹ Nhà nước vì “Làm giả tài liệu của cơ quan, nhà nước”.