Ngày 22-8, phiên tòa Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNBC, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) tiếp tục không đồng tình với quan điểm của VKS truy tố.
Các bị cáo tại phiên xử.
Đáng chú ý, luật sư nhấn mạnh khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc, bị cáo Mai chưa đủ 10 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực ngân hàng theo luật định. Từ khi về nước, bị cáo Mai chủ yếu làm việc lĩnh vực bất động sản, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính nên bản thân việc bổ nhiệm là sai.
Cáo trạng quy buộc Danh, Mai và các đồng phạm thực hiện các giao dịch trị giá trên 5 tỉ đồng mà không báo cáo tổ giám sát, vi phạm Quyết định số 12 của NHNN, phạm tội cố ý làm trái là không đúng.
Luật sư phân tích kết luận thanh tra của NHNN là "trong trường hợp đề án tái cơ cấu không được phê duyệt đề nghị thống đốc NHNN đặt ngân hàng (tức VNCB - PV) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt". Đề án tái cơ cấu sau đó đã được NHNN phê duyệt. Do vậy, theo luật sư, trong giai đoạn từ 2012 đến 29-7-2014, VNCB chỉ ở trong tình trạng giám sát đặc biệt chứ không phải tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Và khi ngân hàng trong tình trạng giám sát đặc biệt thì NHNN chỉ được quyền cử cán bộ NHNN đến để giám sát chứ không được thông qua các giao dịch. Việc Quyết định số 12 của NHNN yêu cầu VNCB phải báo cáo đối với mọi giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên là không đúng, bản thân quyết định 12 đã gây khó khăn cho hoạt động của VNCB lúc bấy giờ. Vì vậy trong trường hợp này VNCB và các bị cáo không vi phạm quy định báo cáo, xin phép mà tổ giám sát có nghĩa vụ chủ động giám sát, kiểm tra.
Cạnh đó, luật sư cũng không đồng ý với cáo buộc bị cáo Mai liên quan đến phần thuê trụ sở. Vì đây không phải hợp đồng khống, hợp đồng thuê dựa trên nhu cầu có thực, cấp thiết của ngân hàng, đã được các cấp thông qua.
Liên quan đến khoản 5.190 tỉ đồng, luật sư cho rằng VNCB không bị thiệt hại khoản tiền này. Nếu nhóm Trần Ngọc Bích không thừa nhận việc đồng thuận chuyển tiền thì liệu có hay không việc cố ý chiếm đoạn tài sản ngân hàng. Luật sư đồng đề nghị như các đồng nghiệp mình là tách khoản tiền này ra xét xử trong một vụ án khác.
Bị cáo Mai (đeo kính) được dẫn giải về sau phiên xử.
Luật sư còn viện thêm các dẫn chứng cho rằng Mai không có chung ý chí trong việc rút tiền. Một thời gian dài sau khi khoản tiền được giải ngân thì bị cáo Mai mới biết được vì hoạt động này ở chi nhánh Sài Gòn bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm. Bị cáo Mai chỉ có liên quan duy nhất là nghị quyết HĐQT thực hiện sau này, chèn vào các số văn bản cũ nhưng không để mục đích hợp thức hóa điều gì, chỉ để xin room tín dụng 2014. Giả sử nếu VNCB có thiệt hại đi chăng nữa thì bị cáo Mai cũng không phải là đồng phạm.
Còn việc VKS luận tội các bị cáo chi trả vượt trần lãi suất, luật sư cho rằng là không chính xác. Vì số tiền chi trả vượt trần lãi suất là do Tập đoàn Thiên Thanh chứ không phải là tiền từ ngân hàng. Mai chỉ biết Danh có lấy tiền Tập đoàn Thiên Thanh chi trả lãi suất vượt trần còn chi trả ra sao, bao nhiêu thì không biết. Quy kết Mai cùng lỗi với các bị cáo khác trong vấn đề chi trả lãi vượt trần là không đúng.
Với 10 khoản vay của các công ty làm VNCB thất thoát 1.692 tỉ đồng thì nhiều khoản vay trong các khoản vay này có tài sản đảm bảo, không liên quan đến HĐQT....
Chiều nay phiên tòa tiếp tục.