Nhà đầu tư nên làm gì khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?

(PLO)- Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, các nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố về tài chính, thị trường chung cho quyết định tiếp tục nắm giữ hay bán cổ phiếu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây có một số cổ phiếu như HNG (HAGL Agrico), HBC (Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình... bị hủy niêm yết ở sàn HOSE. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Vì sao cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Quy định hủy niêm yết cổ phiếu hiện nay được điều chỉnh trực tiếp bởi Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định 155) và Quy chế niêm yết chứng khoán tương ứng của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, hủy niêm yết là việc chấm dứt giao dịch chứng khoán niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán.

Nói cách khác, cổ phiếu bị hủy niêm yết là những cổ phiếu đã được chấp thuận niêm yết trên các sàn HNX, HoSE nhưng do công ty làm ăn thua lỗ, không đạt được tiêu chí niêm yết ban đầu khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Có hai hình thức là hủy niêm yết chủ động (do doanh nghiệp tự động đưa đơn hủy niêm yết) hoặc bị hủy bắt buộc.

Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, các quyền giao dịch chứng khoán sẽ không được thông qua sàn và các công ty môi giới chứng khoán nữa.

Cổ phiếu bị hủy niêm yết thì nhà đầu tư phải làm gì?

Chia sẻ với PLO, ông Nguyễn Thế Hưng, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty môi giới chứng khoán LPBank cho biết: Tại Việt Nam, các cổ phiếu bị hủy niêm yết ở sàn HOSE, HNX sẽ được chuyển sàn về UPCOM để tiếp tục giao dịch giao dịch duy trì thanh khoản.

Đối với trường hợp hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư cần yêu cầu công ty cấp sổ cổ đông hoặc yêu cầu công ty mua lại số cổ phần này bằng tiền để đảm bảo quyền lợi của mình.

Trong cả 2 hình thức hủy niêm yết, nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố sau cho việc quyết định tiếp tục nắm giữ hay bán cổ phiếu.

“Thứ nhất, cần xem xét tình hình tài chính cơ bản của doanh nghiệp về doanh thu, lợi nhuận, triển vọng tương lai. Nếu công ty có tiềm năng tăng trưởng và cơ bản tốt thì giữ lại có thể là lựa chọn tốt và ngược lại.

Thứ 2, cần xem xét tình hình ngành và thị trường chung mà doanh nghiệp, công ty đang hoạt động. Nếu ngành và thị trường đang phát triển, có nhiều cơ hội thì có thể lựa chọn giữ lại cổ phiếu và ngược lại"- ông Nguyễn Thế Hưng cho biết.

Là doanh nghiệp bị hủy niêm yết đối với cổ phiếu HBC, đại diện tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho biết, để đảm bảo quyền lợi giao dịch của cổ đông, HBC sẽ tiến hành chuyển niêm yết gần 347,2 triệu cổ phiếu sang sàn Upcom thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (“HNX”). Dự kiến, việc chuyển sàn giao dịch này sẽ hoàn tất trong tháng 8-2024.

Đơn vị này cũng nhấn mạnh, việc chuyển sàn giao dịch không ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích cơ bản của cổ đông. Đồng thời, cam kết trong hai năm tới cổ phiếu HBC sẽ tăng trưởng tốt và sớm trở lại giao dịch trên sàn HOSE.

THU HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm