Ông Dương Thành Phố, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, khẳng định như thế với báo Pháp Luật TP.HCMsau hai bài “Phường có quyền phá dỡ nhà không phép” (số ra ngày 7-4) và “Dỡ nhà không phép: Văn bản Bộ Xây dựng gây khó!” (số ra ngày 9-4). Cũng theo ông Phố, các nội dung này đã được Nghị định 180/2007 quy định và Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng cũng chỉ là giải thích rõ Nghị định 180.
Liên quan đến thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm xây dựng, Nghị định 180/2007 quy định: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình vi phạm thuộc địa bàn mình quản lý, trừ các công trình vi phạm do UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng… (khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 18). Chữ “do” trong quy định này được nhiều người hiểu là công trình đã được cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, thẩm quyền ra quyết định phá dỡ diện tích vi phạm được các nơi thực hiện rất đơn giản như sau: Công trình không phép do chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ; công trình sai phép do chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.
Tuy nhiên, Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng lại quy định: “Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của UBND cấp huyện, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ vi phạm đến UBND cấp huyện để chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ” (khoản 2b Điều 2). Từ đó dẫn đến hai cách hiểu: 1. Thuộc thẩm quyền là được UBND cấp huyện cấp phép nên không phép thì phường/xã ra quyết định phá dỡ; sai phép thì quận/huyện ra quyết định phá dỡ như lâu nay vẫn làm. 2. Thuộc thẩm quyền là nếu xin phép thì quận/huyện xem xét cấp phép nên hễ không phép thì quận/huyện phải ra quyết định phá dỡ.
Từ cách hiểu thứ hai mà trong vụ xử lý căn nhà gỗ xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), sau khi UBND phường ra quyết định cưỡng chế phá dỡ thì chủ đầu tư đã khởi kiện án hành chính viện lẽ phường làm trái thẩm quyền. Cùng viện dẫn Thông tư 02, TAND TP Vũng Tàu đã giữ nguyên quyết định cưỡng chế của UBND phường với lý do công trình không thuộc diện được cấp phép. Ngược lại, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hủy bỏ quyết định cưỡng chế của UBND phường với lý do vượt quyền.
Được biết sau khi có Thông tư 02, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có công văn hỏi cách xử lý hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng. Khi trả lời, Bộ Xây dựng đã không đề cập đến Thông tư 02 mà chỉ nhắc lại nội dung nêu tại Nghị định 180. Nếu lúc đó Bộ Xây dựng giải thích cụ thể như ý kiến nêu trên của Phó Chánh Thanh tra Dương Thành Phố thì đã không có bản án sai như của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, làm chậm tiến độ phá dỡ nhà không phép.