Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ký hợp đồng tác quyền trọn đời với NXB Trẻ

(PLO)- Theo hợp đồng tác quyền trọn đời, Nhà xuất bản Trẻ sẽ giữ quyền sử dụng toàn bộ các tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-11, tại nhà riêng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (TP.HCM), đại diện Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đã đến thăm, chúc mừng sức khỏe và tiến hành ký kết hợp đồng tác quyền trọn đời các tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

Đại diện NXB Trẻ thăm hỏi, chúc mừng sức khỏe của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: NXB Trẻ
Đại diện NXB Trẻ thăm hỏi, chúc mừng sức khỏe của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: NXB Trẻ

Theo danh sách ban đầu các tác phẩm do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đứng tên gồm hơn 40 đầu sách. Hiện số lượng các tác phẩm của ông vẫn đang tiếp tục được cập nhật. Trước đó, NXB Trẻ đã xuất bản tám đầu sách của tác giả Nguyễn Đình Đầu.

Tại buổi ký kết, bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ cho biết các tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sẽ được ấn hành với diện mạo mới trong thời gian sắp tới.

Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ ký hợp đồng tác quyền với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: L.Đ

Bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ ký hợp đồng tác quyền với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: L.Đ

Với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, việc NXB Trẻ và ông ký hợp đồng tác quyền là một dấu ấn quan trọng trong đời ông, lại cùng thời điểm TP.HCM đang kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Võ Văn Kiệt, cũng là một sự trùng hợp thú vị.

"Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là người khích lệ tôi trong sự nghiệp nghiên cứu. Ông Kiệt đến nhà tôi đây mấy lần, và còn mời tôi đến nhà ăn cơm và nói chuyện nghiên cứu"- ông Nguyễn Đình Đầu chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng cho biết, ông vừa có ý tưởng thành lập một Quỹ Văn hóa Sử Địa Nguyễn Đình Đầu, với ý hướng sẽ dành phần thưởng hoặc các khoản tài trợ cho những nhà nghiên cứu trẻ có các đề tài về văn hóa và sử địa trong tương lai: "Các thủ tục pháp lý cho quỹ này đang được tiến hành".

Một nội dung của hợp đồng tác quyền là sau khi ông Nguyễn Đình Đầu qua đời, tiền nhuận bút các sách theo danh mục này sẽ được chuyển vào Quỹ Văn hóa Sử Địa Nguyễn Đình Đầu.

Việc ký tác quyền trọn đời cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thể hiện sự trân trọng và tấm lòng của đơn vị làm sách, đồng thời cũng là nguyện vọng của NXB Trẻ mong muốn đưa các tác phẩm nghiên cứu có giá trị đến với đông đảo bạn đọc.

Đây là một trong những sự kiện hiếm hoi tại Việt Nam khi mà đơn vị xuất bản mua tác quyền trọn đời các tác phẩm từ một nhà nghiên cứu khi còn sống.

Lễ ký kết diễn ra trong không khí gia đình và thân hữu cùng chung vui với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: L.Đ

Lễ ký kết diễn ra trong không khí gia đình và thân hữu cùng chung vui với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: L.Đ

Trước nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đại diện NXB Trẻ cũng từng ký tác quyền trọn đời với các nhà văn, nhà nghiên cứu như Sơn Nam, Trần Kim Trắc, Trang Thế Hy.

Tác phẩm của ông chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như: địa bạ các địa phương trong cả nước (23 đầu sách)

Các sách chuyên khảo như: Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh; Quân điền Bình Định; Tạp ghi Việt Sử Địa (3 tập); Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép Nôm, Nguyễn Đình Đầu giới thiệu); Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức; Việt Nam quốc hiệu và cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa; Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII cho đến khi Pháp xâm chiếm 1859; Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (dịch và chú thích); Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ (dịch); Cố cả Léopold Cadière từ Việt Nam học đến Việt Nam hóa; Petrus J. B. Trương Vĩnh Ký một nhà bác học và người yêu nước của Nam Kỳ (của Jean Bouchot, Nguyễn Đình Đầu chú thích, giới thiệu)...

Nhà xuất bản Trẻ cũng cho biết năm 2023 sẽ in bốn quyển: Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII cho đến khi Pháp xâm chiếm 1859; Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh; 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn TP Hồ Chí Minh và Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép Nôm, Nguyễn Đình Đầu giới thiệu).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm