Nhà thành hang được bồi thường xây mới

Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND TP phương án hỗ trợ, bồi thường cho những nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm trên địa bàn TP. Thực trạng này cũng đã được Pháp Luật TP.HCM đề cập trong loạt bài Nỗi khổ hậu nâng đường chống ngậpvào cuối tháng 7-2015.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các thành viên trong tổ công tác khảo sát tình trạng “nhà ảnh hưởng do nâng đường, nâng hẻm” - do Sở Xây dựng TP chủ trì, cho biết phương án trên đã được các sở, ngành liên quan thống nhất, hiện chỉ chờ TP xem xét, quyết định.

Được vay 300 triệu đồng

Sở Xây dựng TP cho biết hiện nay trên toàn địa bàn quận 6, quận 8, Bình Thạnh và Thủ Đức… có gần 8.000 căn nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm nhưng nhiều hộ dân lại không có khả năng tự sửa chữa, nâng cấp nhà.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng, Chương trình vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp - Quỹ phát triển nhà ở TP sẽ hỗ trợ cho “hộ dân, cá nhân” bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Nhà nước không thu hồi đất hoặc chưa bồi thường hỗ trợ về nhà đất.

Cụ thể, những trường hợp tạo lập nhà ở có chi phí 500 triệu đồng có thể được vay 300 triệu đồng. Đối với những hộ gia đình không có tài sản thế chấp, quỹ giảm nghèo của TP có thể cho vay vốn hỗ trợ với mức lãi suất 3%/năm, mức vay tối đa 30 triệu đồng. Riêng những hộ nghèo, cận nghèo còn được hưởng thêm các ưu đãi như được Ban Vận động vì người nghèo cấp quận huyện và TP, Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ về chính sách cải thiện nhà ở…

Trong tương lai, nhà bị thiệt hại nặng do nâng đường có thể được bồi thường 100% chi phí xây mới. Ảnh: KB

Bồi thường xây mới 100%

Ngoài phương án hỗ trợ, Sở Xây dựng còn đề xuất chính sách bồi thường thiệt hại cho những trường hợp tương tự nằm trong các dự án mới.

“Tất cả các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật mới (nâng đường, nâng hẻm) phải bố trí đủ nguồn kinh phí để giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho người dân có nhà và công trình bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư dự án phải tổ chức khảo sát, đánh giá sự tác động và ảnh hưởng của việc nâng đường, phải thông qua cơ chế bồi thường, lấy ý kiến cộng đồng trước khi thực hiện…” - Sở Xây dựng TP kiến nghị.

Theo phương án áp dụng cho những dự án mới, đối với nhà dân thấp hơn mặt nền đường - hẻm từ 1 m trở xuống mức bồi thường được lập trên cơ sở dự toán sửa chữa cải tạo do chủ đầu tư lập và UBND quận, huyện phê duyệt đơn giá bồi thường. Đối với nhà dân có cao độ thấp hơn mặt đường từ 1 m trở lên, nếu là nhà một tầng buộc phải tháo dỡ để xây dựng mới sẽ được bồi thường 100% theo đơn giá xây mới. Cũng với mức ảnh hưởng này nếu là nhà từ hai tầng trở lên, UBND quận, huyện sẽ lập phương án bồi thường nhưng không vượt quá 70% đơn giá xây dựng mới. Ngoài ra, với một số trường hợp nhà dân thấp hơn mặt đường từ 0,5 m trở xuống, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ xây gờ chặn nước không để nước chảy tràn vào nhà…

Muốn xỉu vì leo lên đường

Theo ghi nhận của PV, sau khi tuyến đường Lò Gốm, Phạm Văn Chí được nâng cấp, hàng loạt nhà dân ở quận 6 biến thành hầm sâu, cuộc sống bị đảo lộn. Mỗi khi mưa đổ xuống, phần thì người dân lo nước tràn từ đường vào bên trong nhà, phần thì lo nước bẩn từ ống cống nhà vệ sinh dội lên…

Hay như ở quận Thủ Đức, sau khi đường Tam Bình được nâng cao, khu vực này như biến thành đại công trường vì người dân phải chạy đua sửa nhà, nâng nền chống ngập. Có nhà bị thụt sâu khoảng 2 m nên nước không thoát được, người dân phải chuyển đi nơi khác sống...

Trong loạt bài “Nỗi khổ hậu nâng đường chống ngập” trước đó, chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này và dẫn ra hàng loạt thực tế cho thấy khi ngập tới đâu thì cơ quan chức năng nâng đường tới đó. Cách làm này mang lại hiệu quả tức thì khi nhiều tuyến đường nhanh chóng thoát ngập. Nhưng mấy ai biết rằng để đánh đổi điều đó, cuộc sống của hàng chục ngàn người dân trên địa bàn TP bị xáo trộn hoàn toàn, có người leo ra khỏi nhà là muốn ngất xỉu, có người ngày ngày phải tát nước ra khỏi nhà như thuyền bị lủng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới