“Chúng tôi thật lòng muốn kêu gọi những nhà thơ, nhà nghiên cứu, bạn đọc hãy mang thơ ca quay trở lại trong đời sống. Thơ ca sẽ giúp giảm bớt những phiền muộn, đau nhức mà chúng ta đang phải chứng kiến hàng ngày trên những trang mạng điện tử về nhân tính con người". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói như trên tại buổi giao lưu và tọa đàm với tên gọi Xứ - thơ Trần Lê Khánh.
Đánh giá về thơ Trần Lê Khánh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói đó là thơ tối giản, cô đọng, ngắn, nhưng nó như hạt cây đợi gieo xuống một mảnh đất là bạn đọc - tâm hồn tươi tốt thì cây sẽ mọc lên tươi tốt.
Tác giả Trần Lê Khánh.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì bày tỏ: Với anh và những người bạn ở Sài Gòn, Trần Lê Khánh là gương mặt xuất sắc trong thế hệ 7X. “Mảnh đất Sài Gòn không giống Hà Nội, nhu cầu lớn nhất của người miền Bắc là dấn thân vào chốn quan quyền, còn ở phương Nam là kinh tế” - anh nói.
Anh cũng cho rằng bằng trí tuệ của mình, Trần Lê Khánh vẫn là chuyên gia số 1 về mua bán và sáp nhập. Do đó việc anh chuyển qua thơ lúc đầu là bất ngờ, nhưng sau thì không, vì chơi với anh Khánh anh biết Khánh rất lãng mạn, không làm thơ mới là lạ. Điều nhà thơ Lê Thiếu Nhơn không ngờ là Khánh lại làm thơ hay.
Nhà thơ Trần Lê Khánh, 48 tuổi, sinh ra tại Hòa Bình, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Anh tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, có bằng CFA - bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA (Mỹ) cấp năm 2004.
Trước kia, nghề nghiệp chính của anh là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế. Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ rõ có năng khiếu sáng tác. Kể từ năm 2015 trở đi, anh tập trung vào làm thơ và tham gia các hoạt động văn chương nghệ thuật.
Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ Lục bát múa trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca.