“Nếu các bạn không có thái độ, kiến thức và kỹ năng để bù đắp thiếu hụt về kinh nghiệm thì dù các bạn là “sinh viên (SV) năm tốt” đi chăng nữa nhưng chắc chắn đến hơn 90% các bạn sẽ rớt ngay khi đi phỏng vấn, trừ những bạn thực sự vượt trội”. Đó là chia sẻ thẳng thắn của ông Nguyễn Phú Bình, Trưởng bộ phận tuyển dụng - đào tạo của Tập đoàn Hoa Sen, tại tọa đàm Tuyển dụng của doanh nghiệp và hướng đi cho nhân sự trẻ do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 13-12.
Có mặt tại tọa đàm là hàng chục SV đạt danh hiệu “sinh viên năm tốt” cấp trường, cấp thành phố và nhiều đại diện nhà tuyển dụng đến từ các doanh nghiệp.
Rớt vì thái độ, thiếu kỹ năng
Sau phần phát biểu giới thiệu và đề dẫn, ông Nguyễn Phú Bình, Trưởng bộ phận tuyển dụng - đào tạo của Tập đoàn Hoa Sen, cho biết ngoài lắng nghe thì ông cũng quan sát những sinh viên ở đây. "Nếu các em là ứng viên của chúng tôi thì tôi sẽ loại ngay một số bạn ngồi ngay đối diện, dù tôi chưa hỏi gì hết. Lý do vì các em đến đây để nghe rất nhiều thông tin nhưng một số bạn này lại không chịu nghe, các bạn lại làm những việc riêng vô ích khác”.
Từ quan sát này, ông Bình cho rằng phần đông SV mới ra trường khi đi phỏng vấn tại doanh nghiệp thì rớt ngay từ những vấn đề sơ đẳng khi tiếp xúc doanh nghiệp như cách ngồi, cách chuẩn bị gặp doanh nghiệp, thái độ...
Qua kinh nghiệm tuyển dụng, ông Bình cũng cho rằng kỹ năng của số đông SV mới ra trường và kể cả đã đi làm rồi hiện nay vẫn rất yếu và thiếu, như ngại trình bày vấn đề trước người khác...
Tương tự, bà Nguyễn Việt Nhân, Trưởng phòng nhân sự và thu hút nhân tài (Công ty Suntory Pepsico VN Beverage), cho biết có nhiều SV không biết rất nhiều thứ như không biết học để làm gì, học xong sẽ ra làm gì, công ty nào tuyển gì, bản thân làm được gì...
Theo bà Nhân, các SV nên có định hướng về nghề nghiệp từ sớm, phải xác định công việc mình sẽ làm sau này để tìm hiểu sớm. Ngoài điểm số thì SV nên trải nghiệm và rèn luyện qua việc đi làm thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa để trau dồi các kỹ năng như giao tiếp, vượt qua sự phản đối, làm việc nhóm, tổ chức,... Và nhất là SV dù bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần trang bị vốn ngoại ngữ và tin học thật vững, có như vậy mới cạnh tranh được khi tìm việc làm cũng như thích nghi công việc tốt nhất.
Ông Nguyễn Phú Bình: “Phần đông SV mới ra trường khi đi phỏng vấn bị rớt ngay từ cách ngồi, cách chuẩn bị gặp doanh nghiệp, thái độ...”. Ảnh: PHẠM ANH
Phải tự học cách gọi điện thoại, nhắn tin
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, SV Ngô Trọng Nguyễn (Trường ĐH Kinh tế Luật) cũng cho rằng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp còn thiếu sự gắn kết. Chuẩn đầu ra của SV chưa tương thích chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, nhiều SV ra trường còn ảo tưởng bằng đỏ từ tốt nghiệp loại giỏi nhưng thiếu hụt kỹ năng nên mất đi nhiều cơ hội có việc làm tốt.
Do đó, Nguyễn đề xuất nhà trường cần xây dựng khung chương trình làm sao có thể bổ trợ kiến thức lẫn kỹ năng để SV đáp ứng được nhu cầu xã hội hiện nay.
Ông Đặng Thành Trung cho rằng cái SV cần trang bị đầu tiên là kỹ năng tự nhận trách nhiệm. Ngoài thời gian học, SV có thể rèn luyện qua làm thêm, sinh hoạt ngoại khóa, tham gia CLB, kết nối cựu SV để tự học từ những cái đơn giản nhất, như viết CV như thế nào, trình bày ra sao, viết email và trả lời sao, gọi điện thoại và nhắn tin như thế nào... chứ không phải ngồi chờ cơ hội đến.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Trường Vĩnh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Knorex, cho rằng nhà trường và doanh nghiệp còn khoảng hở vì chưa hiểu nhau, vì mỗi vị trí việc làm cần kỹ năng khác nhau, trong khi mỗi nhà trường có triết lý đào tạo khác nhau.
Do đó, theo ông Phú, cả hai bên cần chia sẻ thông tin nhiều hơn để kết nối được nhu cầu đào tạo lẫn việc làm. Riêng các SV phải phát huy thế mạnh của mình, cần chủ động và mạnh dạn hơn vì xu hướng tuyển dụng sẽ ngày càng hạn chế nhưng đòi hỏi công việc cần hiệu quả, chất lượng hơn số lượng.
“Tập đoàn Hoa Sen kinh doanh tùm lum” Có bạn dù đã được thông báo từ ba ngày rồi nhưng sau đó khi tôi phỏng vấn hỏi rằng tập đoàn của chúng tôi kinh doanh về lĩnh vực gì thì bạn này chỉ trả lời chung chung là tập đoàn làm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh tùm lum thứ vì bạn không có thời gian tìm hiểu. Vậy thì làm sao tôi cho các bạn đậu được. Ông NGUYỄN PHÚ BÌNH, Trưởng bộ phận Sẽ tăng cường kết nối nhà trường và doanh nghiệp ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh gắn kết hơn nữa giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò của nhà trường, bản thân các SV cũng cần xác định rõ mục tiêu của việc học hơn, từ phổ thông lên ĐH, sau năm nhất, năm hai... cần đạt được gì để có kế hoạch học tập và phấn đấu hơn. Ngoài ra, các SV nên phải biết dám thay đổi, về việc làm, thích nghi phân công công việc... TS LÊ THỊ THANH MAI - Trưởng ban công tác HSSV, ĐH Quốc gia TP.HCM |